Giỏ hàng

Về "Tam công chiến pháp" của Việt Nam để đối sách trước "Tam chủng chiến pháp" của Trung Quốc

Ngày 31/10/2019, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 31-10  tại nghị trường quốc hội, đại biểu tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng khi Trung Quốc đã áp dụng “tam chủng chiến pháp” (sau đây gọi tắt là tam chiến) trên các mặt trận tâm lý, truyền thông và pháp lý ở biển Đông.


Về tâm lý, Trung Quốc đã rao giảng cho các thế hệ học sinh từ trước tới nay rằng biển Đông là của Trung Quốc. 

Về truyền thông, Trung Quốc rêu rao khắp các diễn đàn quốc tế rằng Biển Đông là của Trung Quốc.

Về pháp lý, Trung Quốc đang sửa lại, diễn đạt lại luật biển và trên thực địa đang tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển.

ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị cần có “tam công chiến pháp” để đối sách với ”tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc. Ảnh:TTXVN

Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một chiến thuật  tam công chiến pháp để đối sách với Trung Quốc, đó là công luận, công khai và công pháp.

Công luận bao gồm việc phải đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố hồ sơ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. 


Về công khai thì chúng ta phải công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, cho trong nước biết. 

Còn công pháp là sử dụng tối đa các cơ sở pháp lý, từ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 cho tới cơ sở pháp lý mà Luật Biển Việt Nam đã quy định.

Ông Vân nhấn mạnh, về lâu dài Việt Nam phải có đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới và vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Vĩnh Trương, chuyên gia Quỹ nghiên cứu biển Đông, tác giả cuốn sách Bàn về Trung Quốc trỗi dậy, nhận định “tam công chiến pháp” như nêu trên là đúng nhưng chưa đủ.

Chống “tam chủng chiến pháp” là chưa đủ

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả chiến lược tam chiến của Trung Quốc?
 

+ TS Lê Vĩnh Trương: Trung Quốc đang thất thế về pháp lý sau thất bại trước phiên tòa với Philippines trong phán quyết 12-7-2016, song họ đẩy mạnh nhị chiến (truyền thông và tâm lý) một cách mạnh mẽ, bền bỉ và sử dụng các hoạt động phá hoại khác như giàn khoan Hải Dương 981, tàu khảo sát địa chất Hải dương địa chất 8 nhằm mục đích khiêu khích, giải tỏa căng thẳng chính trị và để tạo ra cái gọi là “bằng cớ” cho những toan tính trong tương lai của họ.

. Nhìn nhận chiến lược của Trung Quốc hiện nay ở biển Đông chỉ qua lăng kính tam chiến có đủ chưa, thưa ông?

+ Tam chiến không đủ để nêu hết mưu đồ thâm độc của Trung Quốc, bởi tam chiến là thứ họ đã phô bày ra cho biết, còn các chủng chiến pháp khác vẫn còn là những đòn phép dùng tùy nơi và tùy lúc khác của họ mà VN và các nước yêu hòa bình cần thấu hiểu và đáp trả thích đáng.

Nói cách khác, có những điều Trung Quốc phô bày ra như chiến tranh tâm lý, pháp lý, truyền thông (trong đó sách giáo khoa và phim ảnh có hình đường lưỡi bò là truyền thông kết hợp tâm lý, pháp lý). Tuy nhiên, có những điều Trung Quốc không phô bày ra như chiến tranh tình báo, kinh tế, giáo dục, ngoại giao cô lập và bao vây các nước nhỏ.

Nhiều tài liệu mà chúng tôi nghiên cứu cho thấy ưu tiên của Trung Quốc trong các cuộc chiến là hoạt động điệp viên và tình báo, vì đây là cuộc chiến ít tốn sức và súng đạn hơn cả. Do vậy, nếu chỉ tập trung vào việc chống chọi tam chiến thì không thể gọi là đầy đủ.

Đừng tự giới hạn chiến lược

. Ông nhận định thế nào về đề xuất “tam công chiến pháp” (công luận, công khai, công pháp) để đối đầu lại tam chiến của Trung Quốc?

+ Vì tam chiến nay đã thành nhiều chủng loại chiến pháp khác, cho nên đối phó với chúng thì cần phải mở rộng ra hơn nữa một cách khôn khéo. “Tam công chiến pháp” nêu trên là đúng nhưng chưa đủ vì đã lâm vào thế đánh theo thế trận tq bày ra và giới hạn chúng ta trong thế trận đó. Tại sao chỉ là tam (tức là ba) mà không là một con số khác?

Để tuyên truyền cho chính nghĩa về biển Đông của Việt Nam, cần công khai và có một hệ thống giáo dục, tuyên truyền từ trong trường học ra ngoài xã hội: Từ sách giáo khoa đến các văn kiện, từ phim ảnh, nghệ thuật đến chính trị ngoại giao, từ đối ngoại, đối ngoại quốc phòng...

Trong đó phải hết sức chú trọng việc thông tin và giáo dục một cách bài bản cho học sinh tiểu học, trung học và đại học. Muốn thế, hệ thống sách giáo khoa phải trình bày đầy đủ về phần lịch sử và hiện trạng biển, đảo VN để dạy cho học sinh. Đồng thời hướng dẫn cho cả các cấp nhà đương cục để họ giáo dục lại cho nhân viên cấp dưới về vấn đề này.

Về pháp lý, tôi cho rằng kiện Trung Quốc là hành động văn minh và có đạo lý nhất đối với nhiều nước liên quan, với thế giới và với nhân dân TQ.

Thêm nữa, Việt Nam có thể học tập Singapore là xây dựng cho quốc gia mình như một “con cá độc” để tránh là nạn nhân của cá lớn nuốt cá bé. Có nghĩa là kẻ nào động đến VN phải bị trừng phạt bằng cách nào đó, không để họ tự tung tự tác.

. Ngoài các mặt trận đã nêu, theo ông Việt Nam cần lưu ý thêm điều gì?

+ Một là Việt Nam cần tạo ra các mối quan hệ thực chất với các cường quốc và bản thân VN phải có thực lực. VN cũng phải gia tăng liên kết về kinh tế, truyền thông với các nước, nhất là với Nhật, EU và ASEAN.

Tất nhiên, muốn có thực lực thì Việt Nam phải củng cố vị thế quốc gia bằng sức mạnh kinh tế, tiêu diệt tham nhũng và đoàn kết toàn dân tham gia hơn vào công cuộc đối phó Trung Quốc đầy cam go này.

Theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.