Giỏ hàng

Nhật Bản, Mỹ bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã có chuyến thăm tới căn cứ không quân Yokota của Lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.
Nhật Bản, Mỹ bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gặp Trung tướng Kevin Schneider, Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản ngày 8/10. Hai bên chia sẻ quan ngại về các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: NHK)

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishi tới căn cứ này kể từ khi nhậm chức hồi giữa tháng 9 vừa qua. Tại đây, ông Kishi đã gặp Trung tướng Kevin Schneider, Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản.

Hai bên đã chia sẻ quan ngại về các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, hai bên cũng khẳng định, tiếp tục hợp tác để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.

Mặt khác, Bộ trưởng Kishi và Trung tướng Schneider cũng tái khẳng định rằng, dự án tái bố trí căn cứ không quân Futenma của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa là “giải pháp duy nhất” để giải quyết các vấn đề an toàn do căn cứ này gây ra mà không ảnh hưởng tới khả năng răn đe của liên minh quân sự Nhật-Mỹ.

Hiện tại, Tokyo và Washington đang tìm cách di chuyển căn cứ không quân này từ khu vực đông dân cư ở thành phố Ginowan thuộc tỉnh Okinawa tới khu vực thưa dân hơn ở thành phố Nago, cũng thuộc tỉnh này, theo thỏa thuận song phương mà hai nước đã ký năm 1996.

Trong khi đó, theo thông báo của Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, trong cuộc gặp trên, Bộ trưởng Kishi và Trung tướng Schneider đã “tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cam kết hợp tác với nhau để đối phó với các mối đe dọa an ninh chung".

Trước đó một ngày, ông Kishi đã điện đàm với người đồng cấp Mark Esper của Mỹ, theo đó nhất trí hợp tác chặt chẽ để đưa ra phương án thay thế cho kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa lớp Aegis trên bộ do Mỹ phát triển, mà Nhật Bản đã hủy bỏ.

Theo Báo Thế giới&Việt Nam