Giỏ hàng

Vai trò các Chủ thể Doanh nghiệp trong Chính sách Biển Đông của Trung Quốc

Bài viết phân tích 3 trường hợp nghiên cứu trong lĩnh vực - du lịch, khai thác năng lượng và cơ sở hạ tầng - từ đó nêu bật vai trò các chủ thể doanh nghiệp Trung Quốc đã làm thay đổi chính sách Biển Đông của Trung Quốc như thế nào.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang khai thác du lịch, năng lượng và cơ sở hạ tầng trên Biển Đông

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang khai thác du lịch, năng lượng và cơ sở hạ tầng trên Biển Đông

Việc xã hội Trung Quốc ngày một đa dạng hóa khiến quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc trở nên phức tạp. Từ đó cách tiếp truyền thống lấy nhà nước làm trung tâm để phân tích mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc có lẽ không còn chính xác. Cách hiểu đa chiều đòi hỏi phải chú ý đến những nhân tố mới trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của quốc gia này, những chủ thể đó chính là doanh nghiệp nhà nước trung ương (CSOE). Bài nghiên cứu phân tích vai trò ngày một quan trọng của các CSOE trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh. Bài viết cho rằng dù CSOE là công cụ triển khai chính sách của nhà nước, các chủ thể này thực hiện những vai trò khác nhau trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh. Một số CSOE sử dụng nguồn lực gây ảnh hưởng lên chính sách nhà nước; một số CSOE chủ động lợi dụng chính sách nhà nước khi có cơ hội; một số CSOE khác gần như là bên thực thi chính sách. Trong trường hợp CSOE cuối, điều thú vị là hoạt động của chủ thể này không chỉ thể hiện khả năng chinh phục về mặt chính trị của đất nước mà còn lồng ghép những nhiệm vụ chính trị nhà nước định hướng nhằm tìm kiếm cơ hội thị trường. Bài viết phân tích 3 trường hợp nghiên cứu trong lĩnh vực - du lịch, khai thác năng lượng và cơ sở hạ tầng - từ đó nêu bật vai trò các chủ thể doanh nghiệp Trung Quốc đã làm thay đổi chính sách Biển Đông của Trung Quốc như thế nào.

 

Tại Đại hội Đảng 18 năm 2012, lãnh đạo Trung Quốc đề ra mục tiêu chiến lược đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển hùng mạnh.[1] Vào tháng 7/2013, tại phiên học tập tập thể lần thứ 8 của Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại tham vọng này.[2] Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu nỗ lực tăng cường kiểm soát các thực thể nước này xâm chiếm trong những năm 1970 và 1980, mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông. Bắc Kinh cải tổ hệ thống quản lý hành chính biển và tăng cường năng lực cho các cơ quan, lực lượng chấp pháp biển và hải quân. Tất cả nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.[3] Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu cải tạo 7 đảo san hô vòng nước này kiểm soát ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự rất lớn trên đó như sân bay, doanh trại, hệ thống radar và thông tin liên lạc. Giữa năm 2014, Tập đoàn Dầu khí Xa bờ Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một doanh nghiệp quốc doanh, hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải dương 981 (HYSY-981) trong vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa. Sự việc gây ra tình trạng đối đầu nghiêm trọng với Việt Nam. Vào tháng 7/2016, Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013. Phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý yêu sách quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 10/2017, tại Đại hội Đảng 19, Chủ tịch Tập nhấn mạnh “tiến độ đều đặn” của chương trình đảo nhân tạo ở Trường Sa đã thành công, điều này giúp đất nước bảo vệ được quyền lợi biển.[4] Những sự kiện này cho thấy, kể từ khi ông Tập trở thành Tổng Bí thư CCP năm 2012, Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông.[5]

Các học giả cố gắng giải thích hành vi trên biển ngày một quyết đoán của Bắc Kinh trên các khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, phân tích của họ nhìn chung không giải đáp trọn vẹn được vai trò các chủ thể trong nước trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Như nhiều chuyên gia Trung Quốc phân tích, việc xã hội Trung Quốc ngày một đa dạng hóa khiến quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc càng trở nên phức tạp.[6] Từ đó cách tiếp truyền thống lấy nhà nước làm trung tâm để phân tích mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc có lẽ không còn chính xác. Cách hiểu đa chiều đòi hỏi chú ý đến những nhân tố mới trong hoạch định và thực thi những vấn đề đối ngoại của quốc gia này, những chủ thể đó là chính doanh nghiệp nhà nước trung ương (CSOE).

Bài phân tích cho rằng các CSOE của Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạch định và thực thi chính sách Biển Đông của Bắc Kinh. Tuy nhiên, dù tất cả CSOE đều phải tuân thủ chỉ thị của chính phủ trung ương, vai trò của các chủ thể này không hề giống nhau. Một số chủ thể sử dụng nguồn lực gây ảnh hưởng lên chính sách nhà nước, thậm chí để theo đuổi những sáng kiến riêng dưới chiêu bài xây dựng cường quốc biển để bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị. Theo đó, họ chủ động lồng ghép lợi ích kinh doanh của mình với lợi ích biển của Trung Quốc, xây dựng hình ảnh là người bảo vệ lợi ích quốc gia. Một số chủ thể khác chỉ phản ứng khi chính quyền trung ương đưa ra những chính sách khích lệ. Khi môi trường chính sách có lợi cho các doanh nghiệp này, họ trở nên rất chủ động trong việc thúc đẩy chính sách. Một số doanh nghiệp nhà nước khác chỉ đơn giản là bên thực thi chính sách, với vai trò làm công cụ chính trị thực hiện nhiệm vụ chiến lược của quốc gia. Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là hoạt động của họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà nước, các công ty cũng lợi dụng vai trò thực thi chính sách để tối đa hóa cơ hội kinh doanh của mình.

Có 4 lý do quan trọng để phân tích vai trò các CSOE trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Đầu tiên, điều này đem lại khía cạnh mới về nhận thức chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông. Đặc biệt giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lợi ích kinh tế của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc theo đuổi những lợi ích này thường làm phức tạp thêm mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia yêu sách Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Thứ hai, làm rõ cách thức các CSOE hợp tác với một bên khác, thậm chí là chính quyền địa phương để khai thác cơ hội kinh doanh ở Biển Đông. Thứ ba, giúp nhận biết được cách thức nhà nước Trung Quốc tận dụng được năng lực khác nhau của các CSOE để hỗ trợ cho chính sách đối ngoại quyết đoán của mình. Thứ tư, quan điểm kinh tế chính trị trong nước cho thấy những nhận thức thực tế khác nhau về động lực tranh chấp Biển Đông.

Bài nghiên cứu dựa vào những trường hợp nghiên cứu, phỏng vấn, dữ liệu và nguồn lưu trữ định lượng để phân tích sự liên quan của các doanh nghiệp trong tranh chấp Biển Đông. Chúng ta cần nhận thức ngay từ đầu là không hề dễ dàng có được thông tin về chính sách Biển Đông của Bắc Kinh bởi bản chất mập mờ về tiến trình hoạch định chính sách ở Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không dễ biết được chính xác nguồn hỗ trợ tài chính mà Bắc Kinh cấp cho các CSOE để củng cố cho chính sách Biển Đông. Dù vậy, bằng chứng từ 3 trường hợp nghiên cứu được phân tích trong bài viết khẳng định rõ ràng các CSOE Trung Quốc đóng vai tròng ngày càng quan trọng trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh.

Vai trò của các CSOE trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh

Phân tích về hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông sau 2012, nhiều chuyên gia an ninh tập trung vào những động lực quân sự và chính trị để khám phá chính sách của Trung Quốc.[7] Tuy nhiên, nhân tố kinh tế - đặc biệt là lợi ích kinh tế biển - phần lớn bị bỏ qua. Theo như các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, phát triển kinh tế biển trở thành một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Những thống kê của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho thấy, từ 2012 đến 2016, kinh tế biển Trung Quốc đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,5%; cao hơn 0,2% so với tăng trưởng kinh tế quốc gia trong cùng kỳ. Năm 2016, giá trị sản lượng liên quan đến biển đạt 7,05 nghìn tỉ Nhân dân Tệ (1,08 nghìn tỉ USD), chiếm 9,5% nền kinh tế đất nước.[8]Theo đó, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông trở nên rất quan trọng đối với phát triển kinh tế Trung Quốc. Kể từ khi thành lập Thành phố Tam Sa, cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam, ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa năm 2012, hoạt động kinh doanh tại đây trở nên nhộn nhịp. Vào năm 2017, có tổng số 216 doanh nghiệp được thành lập ở Tam Sa. Các doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực hậu cần, thông tin liên lạc, khai thác tài nguyên thiên nhiên, du lịch, hàng không dân sự và công nghệ hàng hải.[9] Từ tháng 12/2016 (khi hàng không thương mại bắt đầu hoạt động) đến tháng 12/2017, sân bay trên đảo Phú Lâm đã đón trên 680 chuyến bay.[10] Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh ở Biển Đông không thể bị bỏ qua.

Nghiên cứu hiện nay tập trung vào nỗ lực nhà nước đóng vai trò trung tâm để đánh giá khía cạnh khác nhau trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh.[11] Tuy nhiên các học giả và nhà phân tích thường không chú ý đúng mức đến vai trò các chủ thể phi nhà nước. Sự thật là một số nhà quan sát cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa sự quyết đoán của Trung Quốc với các chủ thể trong nước khác nhau, như chính quyền địa phương, dân quan biển, hải quân, công ty năng lượng, truyền thông và thậm chí là các nhóm dân tộc chủ nghĩa.[12] Nhưng những nghiên cứu như vậy lại hiếm và không có hệ thống vì họ chỉ nhìn nhận hai khía cạnh của các chủ thể này - vừa là bên định hình chính sách vừa là bên thực thi chính sách đối ngoại Trung Quốc[13] - trong khi không chú ý đến những thay đổi quan trọng trong vai trò thực tế của chủ thể đó.

Trong khi Trung Quốc và các quốc gia yêu sách Đông Nam Á tranh cãi về vấn đề chủ quyền và quyền tài phán, thực tế một số CSOE Trung Quốc đã lặng lẽ thực hiện hoạt động kinh doanh ở Biển Đông. Ngành du lịch nhìn chung xem căng thẳng và xung đột khu vực không tốt cho hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, một số chủ thể như Công ty Vận tải Biển Trung Quốc (COSCO) và Tập đoàn Dịch vụ Lữ hành Trung Quốc (CTSG) lại rất hứng khởi khi nhà nước tuyên bố hỗ trợ chính sách cho các ngành công nghiệp liên quan đến biển ở Biển Đông, bao gồm du lịch, cho dù họ biết chính sách đó chắc chắn sẽ khiến tình hình Biển Đông căng thẳng. Một số chủ thể như CNOOC đã sử dụng nguồn lực gây ảnh hưởng lên chính sách quốc gia thông qua lồng ghép lợi ích kinh doanh với lợi ích biển của đất nước, xây dựng hình tượng người bảo vệ cho lợi ích quốc gia. Đối với một số CSOE như Công ty Trách nhiệm Hưu hạn Xây dựng Thông tin Liên lạc Trung Quốc (CCCC), việc xây dựng trang thiết bị trên các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng đã trở thành nhiệm vụ chính trị phục vụ cho chính sách Biển Đông của Bắc Kinh và tăng cường sự hiện diện của nước này tại các vùng biển tranh chấp.[14]

Để hiểu được chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, chúng ta phải hiểu được mối quan hệ giữa nhà nước và các CSOE. Ở Trung Quốc, mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước và doanh nghiệp cho thấy các CSOE chịu sự chỉ đạo của nhà nước. Ban Tổ chức của CCP bổ nhiệm giám đốc điều hành CSOE, khá nhiều người trong số đó có thể giữ chức bộ trưởng hoặc thứ trưởng, một số thậm chí còn là ủy viên dự khuyết Ủy ban Trung ương Đảng.[15] Nhìn chung, CSOE tồn tại và thành công là nhờ mối liên hệ với quyền lực nhà nước, họ được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi.[16] Chẳng hạn, nhiều CSOE được quyền tiếp cận các khoản vay ngân hàng với hỗ trợ lãi suất thấp bởi đặc quyền với nhà nước.[17] Do mối quan hệ đặc biệt đó, các CSOE Trung Quốc thường được yêu cầu phục vụ lợi ích quốc gia ở mọi cấp độ. Dù các chủ thể doanh nghiệp không tìm cách áp đặt lên chính sách quốc gia, quy mô và tầm quan trọng của họ chắc chắn có tác động lên hành vi thực tế của Trung Quốc trong tranh chấp, theo đó cũng tác động đối với an ninh khu vực.[18] Tương tự, bằng việc tận dụng khả năng và nguồn lực của các doanh nghiệp này, nhà nước cũng có thể huy động các CSOE bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, vai trò là công cụ chiến lược đặc biệt trong quan hệ đối ngoại Trung Quốc không có nghĩa các CSOE hoàn toàn bỏ qua động lực thương mại bởi CSOE cũng có nhiệm vụ tối đa hóa lợi nhuận của công ty, nhiều quyết định đầu tư của họ được định hướng bởi các nguyên tắc thị trường. CSOE thường sử dụng lợi ích quốc gia biện minh cho việc tối đa hóa lợi ích kinh tế của riêng mình. Khi cả hai lợi ích song trùng, các CSOE sẽ chủ động hơn trong hợp tác với các cơ quan nhà nước và tham gia vào hoạt động đối ngoại của Trung Quốc. Đối với các chủ thể doanh nghiệp, kịch bản lý tưởng nhất là có được sự ủng hộ của nhà nước - điều đó sẽ thúc đẩy được lợi ích thương mại doanh nghiệp - trong khi thực hiện đầy đủ yêu cầu của nhà nước. Sự ủng hộ đó là những khoản vay ưu đãi và bảo đảm tín dụng đối với các thương vụ kinh doanh lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chiến lược.

Các CSOE Trung Quốc và nhà nước đều có chung tầm nhìn và lợi ích ở Biển Đông. Giới hoạch định chính sách Trung Quốc và các CSOE đều được chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy và đều quan tâm đến việc củng cố yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Chẳng hạn, những doanh nghiệp này đã nhạy bén chính trị ủng hộ ủng hộ yêu sách chủ quyền quốc gia khi Trung Quốc quyết định thành lập Thành phố Tam Sa. Họ cam kết sẽ đóng góp hoặc đầu tư ở Tam Sa nhằm thể hiện lòng yêu nước.[19] Ví dụ điển hình khác là thái độ của các CSOE đối với phán quyết Tòa trọng tài về Biển Đông ngày 12/7/2016. Ngay trong ngày tòa đưa ra phán quyết, cổng thông tin chính thức của Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) đăng tải bài viết ca ngợi hoạt động của các CSOE ở Biển Đông.[20]

Các CSOE cũng có những cách phản ứng khác nhau với yêu cầu chính sách của nhà nước. Một số dường như có khả  năng và kỹ năng tốt hơn trong việc sử dụng nguồn lực để gây ảnh hưởng lên chính sách quốc gia. Họ lồng ghép lợi ích doanh nghiệp với lợi ích biển của quốc gia và tự khắc họa hình ảnh người bảo vệ cho lợi ích biển quốc gia bằng việc phát triển một số công nghệ quan trọng cụ thể trong lĩnh vực biển, đưa ra những tuyên bố trên truyền thông, thậm chí tham gia vào hoạt động vận động hành lang. Một số chủ thể doanh nghiệp nhà nước chỉ chủ động phản ứng đối với cơ hội thương mại khi nhà nước ban hành các khuyến khích về chính sách. Khi môi trường chính sách thuận lợi để lồng ghép lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích quốc gia, họ chủ động thúc đẩy chính sách. Một số CSOE khác là chủ thể thực thi chính sách giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với những thực thể đất và khẳng định quyền tài phán ở các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, sự can dự của họ không chỉ là hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà còn tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh. Vai trò hỗ trợ chung của các CSOE đối với nhà nước và chiến thuật có phần khác nhau của họ sẽ được mô tả và phân tích trong 3 trường hợp nghiên cứu dưới đây.

Trường hợp nghiên cứu I: Vai trò ngành du lịch Trung Quốc ở Biển Đông

 Trước năm 2012, vì một số lý do, chính phủ Trung Quốc còn lưỡng lự khi hỗ trợ hoạt động du lịch ở Biển Đông. Đầu tiên, để duy trì ổn định khu vực, Trung Quốc thực hiện chính sách ít khuyến khích ngành du lịch hoạt động ở Biển Đông.[21] Theo Dai Bing, Học viện Du lịch Trung Quốc, phát triển ngành du lịch ở Hoàng Sa được xem là vấn đề nhạy cảm về chính trị và ngoại giao vì điều đó có thể hủy hoại hình ảnh và mối quan hệ của Trung Quốc với láng giềng.[22] Thứ hai, phát triển du lịch ở Biển Đông đòi hỏi việc hợp tác với một số chủ thể khác như Bộ Ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp và quân đội (bài viết sẽ không nghiên cứu những trường hợp này).[23] Thứ ba, Trung Quốc chưa sẵn sàng giao các đảo kiểm soát cho ngành du lịch bởi những giới hạn địa hình các thực thể đất, vấn đề môi trường và quan ngại về an ninh. Trong bối cảnh có những hạn chế và dựa trên những cân nhắc, Bắc Kinh quyết định phát triển du lịch ở Biển Đông một cách giới hạn, chỉ cho phép hoạt động du lịch tàu biển quy mô nhỏ.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Tiến sĩ Xue Gong, chuyên viên nghiên cứu Trường Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết được đăng trên Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs, ISEAS–Yusof Ishak Institute, Singapore.

Trần Quang (dịch)

Đinh Anh (hiệu đính)