Giỏ hàng

Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu Limits in the Sea số 150 về yêu sách vùng biển của Trung Quốc.

Ngày 12/1/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nghiên cứu về yêu sách vùng biển của Trung Quốc về Biển Đông (Limits in the Seas số 150), dài 44 trang. Báo cáo này khẳng định các yêu sách vùng biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả yêu sách "quyền lịch sử" không phù hợp với luật biển quốc tế được thể hiện trong UNCLOS 1982. Cùng với việc công bố báo cáo này, một lần nữa Mỹ kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ các yêu sách vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế, được thể hiện trong UNCLOS. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 và ngừng các hành vi bất hợp pháp và cưỡng ép trên Biển Đông.

Báo cáo tập trung đánh giá về 4 loại yêu sách vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông:

1. Về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển:

Hiện nay Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền với các thực thể trên biển Đông, trong đó có hơn có hơn 100 thực thể trên Biển Đông là bãi chìm dưới mặt nước khi thuỷ triều dâng và nằm ngoài ranh giới lãnh hải hợp pháp của các quốc gia ven biển.

Yêu sách này là trái với luật quốc tế vì các thực thể như vậy không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền và cũng không không có khả năng mở rộng các vùng biển như lãnh hải.

2. Về yêu sách đường cơ sở thẳng:

Trung Quốc đã  xác lập hoặc yêu sách nước này có quyền xác lập các đường cơ sở thẳng quanh các đảo, vùng nước, và các thực thể chìm trong một vùng không gian rộng lớn tại Biển Đông.

Không nhóm đảo nào trong bốn nhóm đảo tại Biển Đông đáp ứng các tiêu chí địa lý để áp dụng "đường cơ sở thẳng". Hơn nữa cũng không có tập quán quốc tế nào củng cố cho lập trường của Trung Quốc về việc vẽ đường cơ sở thẳng cho toàn nhóm đảo.

3. Về yêu sách vùng biển:

Trung Quốc đưa yêu sách nội thuỷ, lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa dựa trên các nhóm đảo trên Biển Đông. Điều này không được phép theo luật quốc tế. Việc mở rộng các vùng biển phải được xác lập dựa trên các đường cơ sở được thiết lập một cách hợp pháp - là ngấn nước triều thấp nhất dọc bờ biển. Trong các vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách, Trung Quốc cũng đưa ra các yêu sách liên quan đến quyền tài phán không phù hợp  với luật quốc tế.

4.  Về yêu sách quyền lịch sử:

Trung Quốc khẳng định nước này có quyền lịch sử ở Biển Đông. Yêu sách này không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc cũng không có điều kiện đặc biệt nào về lịch sử cũng như tự nhiên cho yêu sách về quyền lịch sử này.

 

Nguồn: Lan Hương (tổng hợp).