Giỏ hàng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao 31

Sáng 15/12, khai mạc Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Mở đầu bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Hội nghị đối ngoại được tổ chức với quy mô toàn quốc đóng vai trò quan trọng trọng việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại trong thời gian tới.

 Nguồn ảnh: VietNamNet

Trong bối cảnh thế giới còn có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này thể hiện sự quyết tâm, tính chiến đấu của toàn ngành ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những thay đổi, biến động nổi bật trong hai năm vừa qua mà ngành ngoại giao cần xác định rõ để đề ra những đường hướng phù hợp trong thời gian tới.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đang chi phối toàn bộ hoạt động trong nước, cũng như quốc tế, tác động đến mọi mặt của đời sống, từ chính trị-ngoại giao, đến kinh tế, xã hội…

Thứ hai, Việt Nam đang đảm nhiệm các chức vụ cao trong các tổ chức quốc tế tại Liên hợp quốc, ASEAN.

Thứ ba, Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cấp.

Đề cập đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ làm công tác đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số thành tựu xuất sắc mà ngành ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua.

Một là, nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược để kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại.

Hai là, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà đất nước đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.

Ba là, Chính phủ thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Thông qua đường ngoại giao, Việt Nam từ một nước tiếp cận vaccine Covid-19 chậm trở thành một nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới; góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Bốn là, làm cho bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng, tin tưởng và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Qua đó, triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.

Năm là, lực lượng ngoại giao Việt Nam trưởng thành hơn về mọi mặt, tư duy, hành động và hiệu quả.

Theo Thủ tướng, có được những thành tích nêu trên là nhờ ngành ngoại giao đã cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống ngành ngoại giao, linh hoạt thích ứng với tình hình mới; với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng gợi mở những vấn đề ngành ngoại giao phải chú ý tập trung giải quyết như nghiên cứu chiến lược, tích lũy dữ liệu để có được một kho tàng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện trên các mặt để phân tích kỹ càng, thông tin chính xác; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững từ chiều rộng sang chiều sâu; phát huy hợp tác kinh tế tiềm năng ở những địa bàn có tính chất chiến lược; nâng cao cơ sở vật chất, đời sống tinh thần của cán bộ ngoại giao.

Trong 2 năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phải dự báo tình hình quốc tế trên cơ sở đánh giá những kết quả đã làm được và chưa làm được, để từ đó định hình công tác đối ngoại cho phù hợp để hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển. Theo Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất, tình hình thế giới, khu vực hiện cạnh tranh chiến lược rất rõ, đặc biệt là tại Châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, có sự đoàn kết quốc tế. “Là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần phải có sự chia sẻ, phối hợp hợp tác với quốc tế, góp phần bảo vệ sự bình yên của thế giới, an toàn của mọi công dân”, Thủ tướng nói.

Thứ ba, những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng, già hoá dân số… đều là những bài toán khó, đòi hỏi sự chung tay, có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cần phải nắm rõ những xu hướng này để có được chính sách, đường lối đối ngoại phù hợp, phục vụ cho mục tiêu quốc gia-dân tộc, nhưng vẫn giữ được sự hoà hiếu, nhân ái trong quan hệ đối ngoại.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam nói chung và ngành đối ngoại nói riêng cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo cương lĩnh, Hiến pháp, là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không bỏ qua an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; hướng tới mục tiêu 2045 và trước mắt triển khai nghị quyết Đại hội XIII về đối ngoại; vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ từ sớm từ xa bằng các biện pháp ngoại giao; kết hợp chặt chẽ, phát huy quan hệ hữu cơ giữa công tác đối nội và đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Với những thành quả của 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trải qua những khó khăn của chiến tranh, bao vây cấm vận, phải hoạt động dựa vào viện trợ quốc tế, thì ngày nay đã trở thành nước có nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12 đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại, khẳng định những nền tảng quan trọng, quan điểm cơ bản để phát triển ngành ngoại giao phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc tối thượng, nhân ái, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm “14 chữ”: “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả và cùng phát triển”; đổi mới tư duy với lợi ích quốc gia là tối thượng; cương quyết nhưng kiên định, mềm mại, linh hoạt, hiệu quả.

Về 3 trụ cột ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ cho rằng:

Về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; công tác đối ngoại cần xây dựng hình ảnh tình cảm, chân thành và tin cậy với bạn bè quốc tế và các doanh nghiệp, tuân thủ tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm cho họ hiểu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đáp ứng xu thế của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về ngoại giao kinh tế, Việt Nam cần chú trọng hơn vào cải thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, học tập thêm kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp; tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy liên kết xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống.

Về ngoại giao văn hóa, ngành Ngoại giao cần triển khai những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu, nhất là Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vừa qua, đặt ngoại giao văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, với sự đầu tư về nguồn lực cả về tài chính lẫn con người, đặc biệt là khi dư địa cho công tác ngoại giao văn hóa còn nhiều.

Về xây dựng ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Cán bộ ngoại giao cần nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế và sâu sắc về khoa học công nghệ". Cán bộ ngoại giao cần có tư duy, phương pháp luận để đi vào tìm hiểu chiều sâu về các lĩnh vực, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái, thủy chung và linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng quật cường và kiên quyết khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên để cán bộ ngoại giao có thể tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp đối ngoại của đất nước.

Thay mặt cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là những định hướng, chỉ đạo khái quát toàn diện, sâu sát, có trọng tâm cho ngành Ngoại giao trong thời gian tới, đặc biệt là trong 2 năm 2022 và 2023. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn lao, tiếp thêm sức mạnh cho ngành Ngoại giao quyết tâm thực hiện thắng lợi Đường lối Đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, vì sự phát triển ổn định của đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sau Hội nghị, ngành Ngoại giao sẽ đưa ra nghị quyết, chương trình hành động để tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư; đưa những ý kiến chỉ đạo này thành những đề án, kế hoạch cụ thể, để tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả cả trong nước và các cơ quan đại diện./.

Nguồn: Biên Giới Lãnh thổ