Giỏ hàng

Giải phóng Trường Sa trong dòng chảy lịch sử tháng 4/1975

Những ngày tháng 4/1975, cùng với khí thế hào hùng của những mũi tiến công thần tốc trên đất liền, chiến dịch giải phóng Trường Sa cũng được gấp rút thực hiện. Việc tiến hành song song chiến dịch giải phóng Trường Sa với giải phóng miền Nam thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược về Biển Đông và ý thức xuyên suốt về chủ quyền đối với vùng biển và hải đảo của Việt Nam.

Hình ảnh 1: Bộ đội Đặc công hải quân Đoàn 126 trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29/4/1975. (Nguồn: TTXVN)

Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Quân ủy Trung ương

Sau khi ký kết Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954), trước nhiệm vụ bảo vệ 800 km bờ biển và các đảo, quần đảo trên Biển Đông (từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17), Đảng và Bác Hồ đã sớm đặt ra vấn đề phải xây dựng một lực lượng Hải quân chính quy. Ngày 7/5/1955 Bộ Quốc Phòng ký nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam).[1] Từ đây đã hình thành một mũi giáp công quân sự mới đấu tranh trên mặt trận bảo vệ vùng biển và hải đảo của Tổ Quốc.

Phát huy khí thế tiến công thắng lợi sau chiến thắng Buôn Ma Thuật tháng 3/1975, Quân uỷ Trung ương đã kiến nghị với Bộ Chính trị phương châm "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân nguỵ đang chiếm giữ". Đây là quyết định kịp thời và “diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu”[2]. Ở chương 8: Giải phóng Trường Sa trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định “Sự kiện Trung Quốc tiến công quân nguỵ, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 20/1/1974, càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông.”[3] Nhãn quan chiến lược quân sự của Đại tướng đã sáng suốt nhìn rõ sự cần thiết để giải phóng kịp thời quần đảo Trường Sa bởi vì “Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp…Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".”[4]

Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra những chỉ đảo sáng suốt và kịp thời. Ngày 26/3/1975, trong lúc cánh quân trên bộ của ta tiến công vào thành phố Đà Nẵng, quân chủng Hải quân được lệnh điều động một biên đội thuyền máy chở phân đội đặc công táo bạo vượt qua làn đạn bắn chặn của quân lực Việt Nam Cộng hòa(VNCH) tiến thẳng vào bán đảo Sơn Trà, phối hợp với mũi tiến công từ phía biển. Đến sáng 30/3/1975, quân ta đánh chiếm được toàn bộ Căn cứ Liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn truyền đạt mệnh lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa với nghệ thuật tác chiến “phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ có thời cơ là đánh được ngay, bảo đảm chắc thắng”.

Chớp lấy thời cơ và nhanh chóng hành động

Ngày 9/4/1975, nhận được quân báo rằng quân lính VNCH bắt đầu rút khỏi quần đảo Trường Sa, Quân ủy Trung ương đã điện tối khẩn và chỉ đạo đồng chí Chu Huy Mân và Võ Chí Công chỉ thị cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân lực nắm bắt thời cơ, theo dõi sát tình hình và hành động kịp thời. Chiến dịch giải phóng Trường Sa đã sẵn sàng.

Nhận được lệnh, các tàu hải quân và lực lượng thuộc Khu 5 đã giả danh tàu đánh cá, tiến vào khu vực Trường Sa. Lực lượng ta đã dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu, lần lượt giải phóng các đảo.[5] Ngày 11/4/1975, kế hoạch tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa được mở màn bằng trận tấn công giải phóng đảo Song Tử Tây. 4 giờ 30 phút, lệnh nổ súng bắt đầu bằng phát đạn ĐKZ, các mũi hiệp đồng theo tiếng súng, đồng loạt tiến công vào các mục tiêu quy định. Sau các đợt hỏa lực nã tới tấp vào công sự, quân lính VNCH đóng trên đảo hoang mang và bất ngờ. Vào lúc 5 giờ 15 phút, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây, chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lá cờ giải phóng lên đỉnh cột trước bia chủ quyền của Tổ quốc các tàu tiến sát đảo, triển khai lực lượng chốt giữ, phòng thủ đảo.[6]

Vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, ta điều động 2 tàu 673 và 641 chở lực lượng từ Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca và chia làm 3 mũi và tấn công quân lính VNCH đóng trên đảo. Bị đánh bất ngờ, quân lực VNCH chống cự yếu ớt rồi tháo chạy rồi đầu hàng. 3 giờ sáng, quân ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca.

Hình ảnh 2: Cờ của CPCMLTCHMN Việt Nam tung bay ở Trường Sa

Sau chiến thắng của quân Giải phóng tại Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của quân lực Sài Gòn trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân Giải phóng, chỉ huy quân VNCH tại các đảo buộc phải rút chạy. Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 27/5/1975, ta hoàn toàn làm chủ Nam Yết. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đều được giải phóng. Ngày 28/4/1975, đảo An Bang được thu hồi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Ngày 29/4/1975, chiến dịch giải phóng Trường Sa kết thúc thắng lợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký điện khen: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.[7]

Chiến dịch giải phóng Trường Sa thành công: Ý nghĩa mang tầm chiến lược

Nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng việc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mang ý nghĩa vô cùng giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Thứ nhất, giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đã tạo điều kiện quan trọng để cùng với lực lượng tàu của ta hình thành mũi bao vây, khống chế, tiến công quân lực VNCH trên hướng biển từ ngoài khơi xa. Hai mũi tiến công trên đất liền và trên biển giúp ngăn chặn lực lượng quân lực VNCH từ ngoài vào và từ trong đất liền chạy ra, góp phần quan trọng để làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. [8]

Thứ hai, thực tế lực lượng hải quân của ta thời điểm ấy không mạnh, trang bị vũ khí thô sơ. Lực lượng đánh chiếm đảo phần lớn là bộ binh cùng với 60 thủy thủ vận tải trên đoàn tàu không số. Vì vậy, việc đi xa chiến đấu không hề đơn giản. Tuy nhiên, với chiến thuật đánh úp bất ngờ và lợi dụng việc quân đội VNCH hoảng loạn và mất sức chiến đấu, quân ta đã nhanh chóng chiếm giữ được các đảo và một số đá (là những rạn san hô lớn nổi lên), ngăn chặn kịp thời sự chiếm đóng, can thiệp của các lực lượng nước ngoài, đồng thời tránh được những vụ chạm trán sau này.[9]

Thứ ba, chiến dịch giải phóng Trường Sa kết thúc thắng lợi là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định chủ quyền Trường Sa của Việt Nam với quốc tế. Ngay sau khi giải phóng Sài Gòn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam (CPCMLTCHMN) Việt Nam đã thông tin về chiến dịch và tái khẳng định quyền làm chủ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại hội nghị khí tượng ở Colombo (tháng 9/1975), đoàn đại biểu CPCMLTCHMN Việt Nam yêu cầu Tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức khí tượng thế giới. Ngày 5/6/1976, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CPCMLTCHMN Việt Nam ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có quyền bảo vệ chủ quyền đó.[10] Kể từ khi hiệp thương thống nhất hai miền, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa quyền làm chủ và liên tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hính ảnh 3: Tin giải phóng Trường Sa được xuất hiện lần đầu trên báo QĐND ngày 6/5/1975.

Như vậy, với ý chí đè sóng đạp gió, quyết tâm táo bạo và niềm tin sắt đá, những người lính biển đã cùng viết lên một huyền thoại 15 ngày đêm chiến đấu và giải phóng Trường Sa, làm cho ngày non sông thu về một mối trở nên trọn vẹn hơn. Hiệp định Geneve 1954 đã tạm thời phân chia đất nước, quân đội của chính quyền VNCH đã ra tiếp quản các đảo và quần đảo trên Biển Đông từ phía Nam vĩ tuyến 17 và đã có những hành động khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lịch sử ghi nhận điều đó. Song xu thế thống nhất đất nước là không thể đảo ngược trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam mà dù có cản trở thì cuối cùng vẫn không thắng được quyết tâm giải phóng và ý chí thống nhất của cả một dân tộc.

Trường Sa hôm nay: Tiếp nối truyền thống cha anh

 “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó.“ [11]

“Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… "[12]

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển đảo đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ Hải quân nhân nhân dân Việt Nam kế tục và thực hiện. Bốn mươi năm năm trước, chỉ với hơn 200 chiến sĩ đặc công đi trên ba con tàu không số, đội quân của những Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh đã làm chủ Trường Sa. Chiến dịch giải phóng Trường Sa song hành cùng chiến dịch Hồ Chí Minh đã nối tiếp truyền thống hào khí ngàn đời từ trận Bạch Đằng, Hàm Tử của các đấng tiên liệt, đi vào trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường trường chinh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

"Mạnh về phòng thủ-Tốt về lối sống-Đẹp về cảnh quan môi trường-Điểm tựa vững chắc cho ngư dân". Ngày nay, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên tai, bão tố, gian khổ và thiếu thốn, Trường Sa đã thay đổi và lớn mạnh về mọi mặt, vững vàng ở nơi đầu sóng ngọn gió. Trường Sa đã đổi thay, thế nhưng có một thứ mãi vẹn nguyên. Đó là tinh thần của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam: quả cảm, kiên trung và vững vàng trước phong ba bão tố để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Hình ảnh 4: Bụi tre bên chùa Sơn Linh ở đảo Sơn Ca (Nguồn ảnh: Website Tỉnh ủy Khánh Hòa)

Nằm thấp thoáng trên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa là những bụi tre đằng ngà ở cổng chùa Sơn Linh. Qua những câu chuyện của cán bộ lâu năm trên đảo thì bụi tre đằng ngà do một cựu binh Trường Sa mang từ đất liền ra trong chuyến thăm con trai ở đảo.[13] Bụi tre ngà như lời nhắc nhở về truyền thống đấu tranh giữ nước ngay từ buổi đầu mở cõi của dân tộc khi Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Bên cạnh đó, “tre già măng mọc” còn là lời dạy dỗ sâu sắc về truyền thống bảo vệ đảo, bảo vệ biển của lớp lớp người Việt Nam. Đó dường như cũng là lời nhắc nhở về đức tính của cây tre Việt Nam: kiên cường ẩn tàng trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi mọi biến thiên, bão táp của lịch sử để mãi trường tồn và phát triển.

Biển Đông, vẫn động...

Bình minh và hoàng hôn trên quần đảo Trường Sa vẫn vậy, vòng quay tuần tự của cuộc sống vẫn theo cái dữ dằn rồi hiền hòa như vốn có của biển cả. Biển Đông hôm nay vẫn dậy sóng. Những lập luận yêu sách chủ quyền phi lí, những hành động có lúc che mờ cả ánh sáng lương tri nhân loại và thách thức công luận quốc tế vẫn diễn ra, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc vẫn bị xâm phạm. Lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã chỉ ra đoàn kết dân tộc như là mẫu số chung để đánh bại các cuộc xâm lăng của thế lực bên ngoài. Gắn bó với sông nước và làm chủ biển cả từ bao đời, các trận thủy chiến Bạch Đằng Giang, Rạch Gầm - Xoài Mút, những đóng góp của đoàn tàu không số như một hằng số bất biến của biển cả, của chiến thắng, của quyết tâm bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của lớp lớp thế hệ người Việt Nam, chỉ để phủ lên con sóng bằng màu xanh của hòa bình. Những thất bại của thế lực ngoại bang trong các trận thủy chiến, không có thất bại nào giống thất bại nào, nhưng chỉ có một chiến thắng, đó là chiến thắng của công lý, của sự trân trọng giá trị hòa bình cho một trật tự bền vững.

Tổ quốc hôm nay, nếu nhìn từ biển lớn, chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam đều chưa thể yên lòng. Nhưng ở Trường Sa, thấp thoáng nơi đầu sóng ngọn gió ấy vẫn thấy bóng dáng những khóm tre ngà, những khóm tre tuy còn lưa thưa nhưng mai này sẽ kết lại thành những rặng và thành lũy lớn trên khắp các đảo ở Trường Sa, nhẫn nại và ngả rạp trước cuồng phong để rồi khi gió yên biển lặng lại vươn mình hiên ngang, tre già măng mọc, vô tận sinh sôi...


Nguyễn Huy Sơn

(Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại,

Học viện Ngoại giao Việt Nam)

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:


[1] Website Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam,

http://btlsqsvn.org.vn/Nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-S%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/bai-viet/su-ra-doi-cua-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-6024 (truy cập ngày 9/4/2020)

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2014, Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sđd, tr.145.

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sđd, tr.147.

[5] Website của Huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, Một vài nét cơ bản trong tư duy, tầm nhìn và chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển Đông,

http://hoangsa.danang.gov.vn/index.php/thong-tin-tu-li-u/tu-li-u-l-ch-s/1215-m-t-vai-net-co-b-n-trong-tu-duy-t-m-nhin-va-ch-d-o-chi-n-lu-c-c-a-d-i-tu-ng-vo-nguyen-giap-v-bi-n-dong(truy cập ngày 9/4/2020)

[6] Website Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Chuyện thần tốc giải phóng đảo Song Tử Tây

http://btlsqsvn.org.vn/Nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-S%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/Commanders/bai-viet/chuyen-than-toc-giai-phong-dao-song-tu-tay-5844 (truy cập ngày 9/4/2020)

[7] Chuyên trang Infonet của Báo điện tử Vietnamnet, Tầm nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Biển Đông,

https://infonet.vietnamnet.vn/tam-nhin-dai-tuong-vo-nguyen-giap-ve-bien-dong-post101147.info (truy cập ngày 9/4/2020)

[8] Báo điện tử Nhân dân, Giải phóng Trường Sa, quyết định lịch sử, một khoảnh khắc lịch sử

https://nhandan.com.vn/chinhtri/item/24997002-giai-phong-truong-sa-quyet-dinh-lich-su-mot-khoanh-khac-lich-su.html (truy cập ngày 9/4/2020)

[9] Báo tin tức, Giải phóng Trường Sa mùa Xuân năm 1975

https://baotintuc.vn/giai-mat/giai-phong-truong-sa-mua-xuan-nam-1975-20160428110956321.htm (truy cập ngày 9/4/2020)

[10] GS.TS Nguyễn Bá Diến, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 28 (2012) 151‐168 151 “Về chủ quyền lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.14, Nxb CTQG, H.2001, tr 366.

[12] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 8, 1961-1963, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 46.

[13] Website của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Kỳ 4: Đất nước từ Trường Sa

http://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/790/To-quoc-noi-dau-song!-Ky-4--Dat-nuoc-tu-Truong-Sa (truy cập ngày 9/4/2020)