Giỏ hàng

Sự kiện Gạc Ma 1988 và bài ca không bao giờ quên…

32 năm trước, ngày 14/3/1988, sự kiện Gạc Ma diễn ra, những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam tay trong tay tạo vòng tròn bất tử xung quanh lá cờ Tổ quốc, quyết tâm giữ cờ, giữ đảo và kiên cường bám trụ đến hơi thở cuối cùng.

“Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải Quân…” (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung úy Trần Văn Phương)

Câu chuyện lịch sử

Bước ra khỏi cuộc chiến bảo vệ hai đầu biên giới, Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế - xã hội trầm trọng; sản xuất trong nước đình đốn, lạm phát phi mã ba con số; bên ngoài phải đối phó với chính sách bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập chính trị của các thế lực thù địch. Đồng minh hậu thuận lớn nhất là Liên Xô cũng rơi vào khủng hoảng sâu sắc trước đêm trường tan dã. Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm và tình huống ngặt nghèo nhất của Việt Nam để thực hiện mưu đồ đánh chiếm Gạc Ma.

Giai đoạn 1984-1988, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; tăng cường phòng thủ quần đảo Trường Sa và điều lực lượng chốt giữ thêm một số đảo xung quanh các đảo đã đóng giữ, để tạo nên sức mạnh của một cụm đảo.[1]

Tháng 1 năm 1988, Trung Quốc cử một lực lượng lớn tàu chiến đi từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, trong đó có bốn chiếc được phái đến khu vực quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của hai tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên là hai bãi san hô còn đang lập lờ mặt nước. Quân lính Trung Quốc bí mật cắm cờ trên hai bãi đá trên và đồng thời cho tàu khiêu khích và cản trở những hoạt động bình thường giữa các đảo do quân đội Việt Nam bảo vệ.[2]

Trưa ngày 13/3/1988, 2 tàu HQ-604, HQ-505 của Việt Nam nhổ neo từ Đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin và thả neo ở khu vực này. Đề phòng xung đột quân sự có thể bùng nổ thành một cuộc chiến tranh lớn trên biển, Đô Đốc Giáp Văn Cương (Tư lệnh Hải quân) ra lệnh: Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết táo bạo, với phương châm “có người, có đảo; còn người, còn đảo”. [3]

6h30 sáng ngày 14/3/1988, tốp lính Trung Quốc có vũ trang đi xuồng máy áp sát bãi đá Gạc Ma, vây theo thế vòng cung. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn, quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Sau một hồi giằng cờ bất thành, phía Trung Quốc đã nã súng vào chiến sĩ hải quân Việt Nam đồng thời nã pháo vào 3 tàu HQ 604, HQ 505 và HQ 605 của ta.[4] Máu của những người lĩnh Hải quân đã nhuốm đỏ vùng biển của Tổ Quốc.

Trong trận chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy, 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh, 9 người bị phía Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông sau 3 năm mới trao trả.[5]

Mưu đồ của Trung Quốc

Về ý đồ của Trung Quốc trong trận hải chiến Gạc Ma, Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An) nhận định “ý đồ của Trung Quốc không hề đơn giản mà mang một tầm nhìn quân sự dài hạn” [6] Nếu nhìn bức tranh tổng thể quần đảo Trường Sa, 2 đảo Gạc Ma và Chữ Thập có vị trí đặc biệt quan trọng. Trên bàn cờ quân sự, 2 đảo này chốt chặn như 2 đồn biên phòng. Nếu từ đây hình thành căn cứ quân sự thì Trung Quốc có khả năng khống chế toàn bộ đường vào Biển Đông vốn được mệnh danh là “yết hầu của các tuyến đường hàng hải quốc tế".

Sau sự kiện chiếm đá Gạc Ma, Trung Quốc đã từng bước có các hành động mở rộng chiếm đóng của mình ở Biển Đông, ví dụ như chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn (1995) và bãi cạn Scarborough (2012). Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng việc đánh chiếm Gạc Ma là sự khởi đầu cho chiến lược “gặm nhấm” trên Biển Đông của Trung Quốc rồi lén lút cho bồi đắp, xây dựng những công trình nhân tạo “việc đã rồi" để mở rộng khả năng kiểm soát trong khu vực. Bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến minh bạch châu Á, nhận định những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong nhiều trường hợp, bao gồm cả tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở biển Đông (ADIZ). Nhà phân tích James Hardy của tuần san quốc phòng IHS Jane’s (Anh), cho rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển “nhằm tạo nên một chuỗi các pháo đài có cả sức mạnh hải quân lẫn không quân, cắt ngang vùng trung tâm của quần đảo Trường Sa”. Các cơ sở mới này sẽ đóng vai trò như các trạm tiếp nhiên liệu và hậu cần cho hải quân và không quân Trung Quốc tuần tra khắp khu vực.[7]

Ba mươi hai năm về trước, Gạc Ma chỉ là một bãi đá ngầm nơi những người lính tay không vũ khí, tay trong tay tạo vòng tròn bất tử kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Hiện nay, Gạc Ma đã được cải tạo thành một đảo nổi nhân tạo ở quy mô lớn với mục đích xây dựng và thiết lập một căn cứ quân sự kiên cố của Trung Quốc trên biển. Mục tiêu khống chế Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc như nhiều học giả chỉ ra đã lộ rõ.

Bài ca không bao giờ quên…

Về sự kiện Gạc Ma 1988, nhìn nhận lại lịch sử không phải để kích động hận thù song để khẳng định sự thật cũng như rút ra những bài học trong việc ứng xử trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bài học về xây dựng “thế” và “lực” của đất nước, không ảo tưởng, phân biệt “đối tác” và “đối tượng” cũng như kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vẫn còn nguyên giá trị mãi đến ngày hôm nay. Thế giới ngày nay, tuy hòa bình và hợp tác là dòng chảy chủ đạo trong quan hệ quốc tế nhưng nguy cơ xung đột Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn hiện hữu. Để tránh lặp lại sự kiện Gạc Ma, Việt Nam một mặt cần tăng cường sức mạnh nội lực trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng; mặt khác cần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Ba mươi hai năm đã qua, sự kiện Gạc Ma năm 1988 mãi luôn là khúc khải hoàn bi tráng trong quá trình giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sáu mươi tư chiến sĩ hy sinh, thân xác các anh đã hòa vào biển cả bao la nhưng các anh mãi trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc. Hằng năm, đã thành thông lệ, những người mẹ, người cha của các chiến sĩ hy sinh, họ lại tìm về Đà Nẵng để thắp nén hương thơm và thả vòng hoa xuống cửa biển. Trên đồi cát trắng phía Bắc đảo Cam Ranh, cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" hiên ngang hướng về Biển Đông, bên cạnh đó là bảo tàng ngầm lưu giữ những hiện vật và quảng trường Hòa Bình có khu "mộ gió" của 64 liệt sĩ. Tất cả như lời khẳng định: không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng.

Ngày hôm nay, Biển Đông vẫn còn dậy sóng, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc vẫn bị xâm phạm. Xin kính cẩn nghiêng mình trước các anh và nguyện dốc sức mình đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, độc lập và tự do của Tổ quốc.

Nguyễn Huy Sơn

(Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại,

Học viện Ngoại giao)

-------------------------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Đô đốc Giáp Văn Cương, xem tại http://btlsqsvn.org.vn/Nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-S%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/Commanders/bai-viet/do-doc-giap-van-cuong-4643 (truy cập 12/3/2020)

[2], [3] TS. Nguyễn Nhã (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Nguyên nhân và giải pháp, xem tại http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=785018e9-6bcd-4da3-9a27-791b8ae54ddd&groupId=13025 (truy cập 12/3/2020)

[4] Báo điện tử VnExpress, Ký ức về trận chiến Gạc Ma năm 1988, xem tại https://vnexpress.net/thoi-su/ky-uc-ve-tran-chien-gac-ma-nam-1988-2436566.html (truy cập 12/3/2020)

[5] Báo điện tử Công an nhân dân, Khúc tráng ca bất tử bên bờ biển xanh, xem tại http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Khuc-trang-ca-bat-tu-ben-bo-bien-xanh-435189/ (truy cập ngày 12/3/2020)

[6] Báo điện tử Nghệ An, Gạc Ma và mưu đồ của Trung Quốc, xem tại https://baonghean.vn/gac-ma-va-muu-do-cua-trung-quoc-70960.html (truy cập ngày 12/3/2020)

[7] Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông, xem tại https://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/muu-do-cua-trung-quoc-o-bien-dong-536518.html (truy cập ngày 14/3/2020)