Giỏ hàng

Pháp, Anh, Đức đồng gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc

Pháp, Đức và Anh mới đây đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, thể hiện lập trường pháp lý lâu dài liên quan các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo website chính thức của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 16-9, Pháp, thay mặt Anh và Đức, đã gửi công hàm lên LHQ thể hiện lập trường pháp lý lâu dài liên quan các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Công hàm khẳng định Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Pháp, Anh, Đức gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc - ảnh 1
(Từ trái qua): Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: NCRI

Công hàm thể hiện lập trường của Pháp, Đức và Anh đối với các công hàm trước đó của Trung Quốc gửi lên LHQ liên quan Biển Đông, cụ thể: công hàm số CML/14/2019 ngày 12-12-2019, số CML/11/2020 ngày 23-3-2020, số CML/42/2020 ngày 17-4-2020, Số CML/46/2020 ngày 2-6-2020, số CML/48/2020 ngày 18-6-2020, số CML/54/2020 ngày 29-7-2020 và số CML/56/2020 ngày 7-8-2020, cũng như lá thư Trung Quốc gửi tới Tổng Thư ký LHQ ngày 9-6 liên quan đến công hàm số HA 59/19 ngày 12-12-2019 của Malaysia.

Theo đó, Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, khẳng định:

Một, Pháp, Đức và Anh nhắc lại tính phổ biến và thống nhất của UNCLOS trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên biển, đồng thời nhấn mạnh tính toàn vẹn của Công ước cần được duy trì.

Hai, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền đi lại được quy định trong UNCLOS, bao gồm cả ở Biển Đông.

Ba, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong Công ước về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng và quần đảo được xác định trong Phần II và Phần IV của UNCLOS. Do đó, không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia lục địa coi các quần đảo hoặc các đối tượng địa lý biển như một thực thể mà không tôn trọng các quy định liên quan trong Phần II của UNCLOS hoặc bằng cách sử dụng các quy định trong Phần IV chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo.

Bốn, Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong Công ước về việc áp dụng chế độ quần đảo đối với các đối tượng địa lý đất liền hình thành tự nhiên. Các hoạt động bồi đắp đất hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS.

Năm, Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS, đồng thời tái khẳng định tính pháp lý của phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 giữa Philippines và Trung Quốc.

Sáu, Pháp, Đức và Anh cho rằng tất cả các yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của UNCLOS cũng như các cách thức và thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước.

Theo Báo Phát luật TP. Hồ Chí Minh