Giỏ hàng

Chuyên gia kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông

Tại biển Đông, các bên liên quan đều tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, song cách diễn giải luật khác nhau thực sự tạo ra thách thức lớn đối với hợp tác khu vực.

Ngày 11-6, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS - Đức) và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội đã đồng tổ chức buổi Đối thoại biển lần thứ ba với chủ đề "Luật quốc tế và biển Đông" với sự tham dự của 80 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ quan và giới học giả Việt Nam. Đối thoại lần này tập trung thảo luận về tình hình biển Đông từ góc độ pháp lý và tìm kiếm ý tưởng hợp tác quản lý tranh chấp tại khu vực.

Các diễn giả tại buổi đối thoại

Tham dự đối thoại có 3 diễn giả quốc tế và Việt Nam: PGS-TS Nguyễn Hồng Thao (Phó Chủ tịch Uỷ ban Luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc), PGS-TS Herman J. Kraft (Đại học Philippines) và TS Yan Yan (Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc). PGS-TS Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Ngoại giao) điều phối buổi đối thoại.

Căng thẳng và tranh chấp chưa giảm sau phán quyết

Đối thoại biển lần thứ ba diễn ra trong bối cảnh những diễn biến mới trên biển Đông đặt ra nhiều vấn đề an ninh và pháp lý đối với các nước trong khu vực. Hiện nay, Trung Quốc và các nước ASEAN đang đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và học giả trong lĩnh vực pháp lý. Tuy nhiên, 2 năm sau phán quyết của toà trọng tài trong vụ kiện biển Đông, khu vực chưa đạt được các kết quả hợp tác đáng kể để giảm căng thẳng và tranh chấp trong khu vực.

Phát biểu khai mạc, TS Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh vai trò của luật quốc tế trong việc duy trì trật tự và an ninh quốc tế dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. TS Bình cho rằng luật quốc tế là cơ sở đảm bảo an ninh và ổn định quốc tế và khu vực. Tại biển Đông, các bên liên quan đều tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, song cách diễn giải luật khác nhau thực sự tạo ra thách thức lớn đối với hợp tác khu vực. Do đó, TS Bình bày tỏ hy vọng đối thoại lần này là cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa các chuyên gia, giới hoạch định chính sách và công chúng nói chung, từ đó góp phần rút ngắn những khoảng cách về nhận thức và thúc đẩy hợp tác trên biển Đông.

Các diễn giả tại đối thoại đã thảo luận nhiều vấn đề pháp lý ở biển Đông, trong đó có nguyên tắc thượng tôn pháp luật, địa vị pháp lý của các thực thể, phán quyết của toà trọng tài trong vụ kiện của Philippines ở biển Đông, khía cạnh pháp lý của ý tưởng hợp tác cùng phát triển trong khu vực, Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông và các biện pháp thúc đẩy quan điểm chung về luật pháp quốc tế ở biển Đông.

Tình hình biển Đông ngày càng phức tạp

PGS-TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, lưu ý có 2 nhu cầu ở biển Đông: Nhu cầu giải quyết tranh chấp dai dẳng về chủ quyền và thúc đẩy hợp tác phát triển theo hướng bền vững trên vùng biển chiến lược này.

Dù phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ. Tuy nhiên, nhiều quan ngại xoay quanh phán quyết này: Làm thế nào các bên tôn trọng, đạt tiếng nói chung, hướng đến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) có tính pháp lý...

PGS-TS Nguyễn Hồng Thao khẳng định những tranh chấp về mặt lãnh thổ cần được giải quyết trên nguyên tắc luật quốc tế mà các quốc gia đã thống nhất. Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đã giúp làm rõ vài điểm quan trọng, trong đó có khẳng định: đường 9 đoạn theo yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS.

Theo GS Herman J. Kraft, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Philippines, cách thức hành xử và tôn trọng pháp luật ở mỗi quốc gia là khác nhau và biển Đông là ví dụ cụ thể. Kể từ năm 2016, khi phán quyết PCA được đưa ra, tình hình biển Đông đã trở thành bức tranh phức tạp hơn. Về kinh nghiệm của Philippines, GS cho biết các hoạt động hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông sắp tới cũng cần cơ sở luật pháp quốc tế để tương thích với phán quyết PCA cũng như quyền lợi người dân nước này.

Cần có những giải pháp chung 

Ông Peter Girke, đại diện Quỹ KAS, nhấn mạnh luật pháp và hoà bình là giá trị cốt lõi của quỹ. "Biển Đông cần có những giải pháp chung và hoà bình, tuân thủ luật quốc tế để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ. Chúng tôi hy vọng đối thoại này là cơ hội để các chuyên gia luật và giới hoạch định chính sách có thể suy nghĩ và hợp tác về các nguyên tắc luật quốc tế để giải quyết tranh chấp".

Bà Stacey Nation, Tham tán Đại sứ quán Úc, chia sẻ "Đại sứ quán Úc ủng hộ và đồng tổ chức Đối thoại biển lần thứ ba nhằm khẳng định cam kết trong Sách Trắng Chính sách Đối ngoại của Úc, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở, an ninh và thịnh vượng; trong đó quyền lợi của mọi quốc gia được tôn trọng và tranh chấp được giải quyết một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Báo Người Lao Động