Giỏ hàng

Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc

Về tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Nhật Bản là quốc gia không liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, Biển Đông có vai trò quan trọng trong tuyến hàng hải huyết mạch từ Trung Đông đến lãnh hải Nhật Bản. Do vậy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trên Biển Đông. Bài viết sẽ góp phần làm rõ hơn sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông và tác động của việc can dự đối với quá trình Trung Quốc triển khai thực hiện chiến lược cường quốc biển.

  1. Quan điểm và mục tiêu của Nhật Bản đối với Biển Đông

Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình.

1.1. Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông

Ngày 12/7/2016, sau khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philíppin và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý; các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Ngoài ra, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị bên lề Hội nghị AMM 49, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã hối thúc Bắc Kinh chấp nhận và tuân thủ phán quyết của PCA, đồng thời bày tỏ quan ngại của Nhật Bản về tình hình Biển Đông hiện nay, hy vọng Trung Quốc sẽ tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng tại vùng biển tranh chấp. Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2016 đã nêu rõ các hoạt động hiện tại của Trung Quốc tại Biển Đông là bá quyền, đơn phương, hướng tới việc đặt các nước vào việc đã rồi trên vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

1.2. Một số mục tiêu của Nhật Bản đối với Biển Đông

Thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Nhật Bản kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Philíppin, Việt Nam, Inđônêxia, v.v…

Ngoài các nước ASEAN, trong quan hệ với các nước có chung lợi ích trên Biển Đông như Ôxtrâylia, Ấn Độ, Anh, v.v…, Nhật Bản luôn tìm sự đồng thuận thông qua các công cụ như tự do, dân chủ, pháp chế. Ngoài quan hệ song phương, Nhật Bản cố gắng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gần như trong mọi diễn đang quốc tế. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế[1], bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị. Đồng thời, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giúp một số nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển: Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philíppin nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á - Đối thoại Shangri La năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cần phải chi viện trên thực tế để Việt Nam, Philíppin và Malaixia tăng cường năng lực quân sự trên biển. Nhằm nâng cao khả năng phòng thủ biển của các nước ASEAN, Nhật Bản đã kết hợp các khoản hỗ trợ như viện trợ phát triển chính thức (ODA), đào tạo nâng cao khả năng do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tổ chức, hợp tác về trang bị phòng thủ, để trợ giúp các nước này. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015, tàu chiến của Nhật Bản và Philíppin nhiều lần tiến hành diễn tập chung tại vùng biển của Philíppin. Tháng 8 năm 2015, Nhật Bản, Mỹ và Philíppin tiến hành diễn tập cứu trợ nhân đạo tại vịnh Subic. Đối với Việt Nam, tháng 5 năm 2015, đã có hai máy bay tuần tra trên biển P-3C của Nhật Bản lần đầu đến Đà Nẵng; tháng 11 năm 2015, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhận thức chung về việc tàu chiến của Nhật Bản có thể cập cảng Cam Ranh.

Củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ: Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào  Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là vấn đề có tính nguyên tắc, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không[2] và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế.

Sự phối hợp và hợp tác Nhật - Mỹ trong vấn đề Biển Đông còn biểu hiện ở việc hai nước phối hợp giúp đỡ các nước hữu quan xây dựng năng lực phòng thủ. Ví dụ, nhằm giúp Philíppin nâng cao khả năng đối phó với Trung Quốc trên biển, hai nước đã phân công rõ ràng: Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang Philíppin; Nhật Bản cung cấp trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philíppin.

Giành thế chủ động trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc trên nhiều phương diện: Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lực, v.v…, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới.

Nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Lào tháng 9/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng tiếp tục diễn ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thủ tướng Abe nhấn mạnh thượng tôn pháp luật phải là nguyên tắc chung cần được quán triệt trong cộng đồng quốc tế; các bên liên quan cần kiềm chế các hành động gia tăng căng thẳng khu vực, theo đuổi giải quyết hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.[3]

  1. Biện pháp can dự của Nhật Bản vào khu vực Biển Đông

Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm thực hiện được mục tiêu của mình đối với khu vực Biển Đông. Các mục tiêu đó là đảm bảo sự ổn định, hòa bình, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, các bên liên quan không được đơn phương dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

2.1. Mở rộng sự hiện diện và củng cố quan hệ quốc phòng

Trước hết, Nhật Bản mở rộng sự hiện diện. Thông qua các sáng kiến mới như Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (gọi tắt là JMDF), tới thăm các quốc gia thành viên ASEAN hoặc tham gia các cuộc tập trận song phương và đa phương. Tháng 3 năm 2016, một tàu của JMDF đã cập cảng Malaixia để tham gia những đợt tập trận huấn luyện thân thiện với lực lượng hải quân Malaixia. Tiếp đó, tháng 4 năm 2016, tàu ngầm Oyashio cùng tàu khu trục Ariake và Setogiri đã cập cảng tại Vịnh Subic của Philíppin trong chuyến thăm đầu tiên kể từ năm 2002. Tiếp đó, Ariake và Setogiri cũng lần đầu tiên tới Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, tàu khu trục cỡ lớn Ise lần đầu tiên vượt qua Biển Đông, tham gia hoạt động cùng các hạm đội quốc tế và tập trận đa phương ở Inđônêxia.

Ngày 13/7/2016, cuộc tập trận chung giữa Cảnh sát biển Nhật Bản (viết tắt là JCG) và Cảnh sát biển của Philíppin (PCG) đã diễn ra ngoài khơi vịnh Manila, đúng một ngày sau khi PCA công bố phán quyết trong vụ Philíppin khởi kiện Trung Quốc. Dù quan điểm của hai nước về cuộc tập trận là không nhằm vào Trung Quốc, nhưng thời điểm của nó cho thấy rõ ràng đây là một phản ứng có liên quan đến sự việc trên. Bên cạnh đó, JMDF cũng đã tham gia tập trận cùng Mỹ và Ôxtrâylia vào tháng 2 năm 2016 ở vùng biển của Xingapo và tháng 4 năm 2016 ở vùng biển lân cận của Inđônêxia.

Thực tế cho thấy, Nhật Bản cũng đang tiến hành các bước đi khác nhằm tăng cường sự hiện diện ở trong khu vực thông qua các hoạt động như tham gia các khuôn khổ đa phương. Điển hình là việc Nhật Bản đã cử một đội ngũ khá lớn của Lực lượng phòng vệ quốc gia[4] tham gia vào cuộc tập trận an ninh hàng hải chung được tổ chức bởi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) diễn ra ở vùng biển và không phận giữa Brunây và Xingapo. Ngoài việc mở rộng sự hiện diện, Nhật Bản còn tăng cường quan hệ đối tác với các nước ASEAN thông qua hỗ trợ xây dựng năng lực và hợp tác về thiết bị quốc phòng. Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington ngày 15/9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomoni Inada cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông thông qua việc tuần tra chung với Mỹ và tập trận song phương, đa phương với các nước trong khu vực.

2.2. Hỗ trợ vũ khí và trang bị cho các nước trong khu vực

Nhật Bản quyết định thông qua viện trợ ODA để cung cấp cho Philíppin 12 tàu chiến, trong đó có tàu tuần tra cỡ lớn 1.000 tấn, nhằm giúp Philíppin nâng cao năng lực bảo vệ trên biển. Ngày 18/8/2016, Philíppin đã nhận được 10 tàu tuần duyên của Nhật Bản.

Ngày 31/7/2014, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu trong đó gồm 2 tàu kiểm ngư của Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản; 4 tàu còn lại là tàu đánh cá thương mại, được coi là một phần trong gói viện trợ không hoàn lại. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ cung cấp xuồng cứu sinh và các trang thiết bị khác, trị giá 500 triệu yên cho Việt Nam. Ngoài việc chuyển giao 6 tàu đã qua sử dụng, Nhật Bản còn tiến hành đàm phán về việc cung cấp tàu mới cho Hải quân Việt Nam trong tương lai gần. Trong tháng 7/2016, Nhật Bản cũng lần đầu tiên hỗ trợ Philíppin bảo trì động cơ diesel cho tàu hải quân.

  1. Tác động đối với Trung Quốc

Trong xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh và vừa kiềm chế lẫn nhau, quan điểm của Nhật Bản đối với Biển Đông sẽ có những tác động nhất định đối với Trung Quốc trên nhiều góc độ khác nhau.

3.1. Tác động đối với ngoại giao

Vấn đề Biển Đông là một trong những yếu tố tác động đến lòng tin chính trị giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách công bằng, hợp lý sẽ trở thành mắt xích quan trọng để hai bên tăng cường lòng tin chính trị và triển khai quan hệ hợp tác an ninh trong khuôn khổ Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN. Để giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, Trung Quốc đã đưa ra tư tưởng tiếp cận kép với nội dung: Tranh chấp cụ thể do các nước trực tiếp liên quan giải quyết hòa bình thông qua đàm phán, hiệp thương dựa trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế; ổn định, hòa bình Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng chung sức bảo vệ. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương. Chính sách của Nhật Bản đã tạo ra sự tương phản với chính sách của Trung Quốc. Theo nhận xét của nhiều giới quan sát, Nhật Bản đã sử dụng thành công Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc, làm nổi bật bản chất chính sách “kẻ thắng người thua” với chiêu bài “cùng thắng” của Trung Quốc. Hiểu theo nghĩa đó, Nhật Bản đã thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao trên vấn đề Biển Đông.

3.2. Tác động đối với quân sự

Là một cường quốc về công nghệ trên thế giới và là cường quốc biển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự giúp đỡ của Nhật Bản về trang bị và kỹ thuật quân sự cho các nước như Philíppin, Việt Nam cũng như việc huấn luyện, tiến hành diễn tập quân sự chung sẽ tăng cường khả năng quân sự của các nước này, qua đó gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản quy định Nhật Bản sẽ đứng trên quan điểm chủ nghĩa hòa bình tích cực, thông qua trang bị phòng thủ linh hoạt, tích cực tham gia hợp tác quốc tế và đóng góp cho hòa bình khu vực, thay thế 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí bằng 3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và trang bị phòng thủ, nâng cao sức mạnh quân sự Nhật Bản thông qua trang bị vũ khí sử dụng linh hoạt. Điều này cho phép Nhật Bản có thể chuyển giao trang bị quân sự thuận tiện hơn, không chỉ cho Philíppin, Việt Nam mà còn các nước khác trong khu vực Biển Đông như Inđônêxia, Malaixia, v.v… Đặc biệt, khuôn khổ liên minh quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản đã được áp dụng cho các vấn đề an ninh biển. Phương hướng chính sách và biện pháp thực hiện của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông sẽ gây sức ép quân sự lớn hơn đối với Trung Quốc cả về tương quan so sánh lực lượng và sự lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự trên biển.

  1. Kết luận

Khu vực Biển Đông là địa bàn chiến lược quan trọng trong đó các nước lớn tranh giành ảnh hưởng và kiềm chế lẫn nhau. Kiềm chế quá trình triển khai chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc là một phần trong chiến lược của Nhật Bản tại Biển Đông.

Hiện nay, Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với các thành viên của ASEAN. Kể từ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản củng cố quan hệ an ninh - quốc phòng với các quốc gia ASEAN. Ngoài hình thức tham vấn cấp cao, đàm phán cấp sự vụ và đối thoại an ninh song phương nhằm mục đích tạo dựng lòng tin và nâng cao tính minh bạch. Thời gian gần đây, Nhật Bản đã chuyển tới một mức độ cao hơn. Các cuộc tập trận song phương và những thỏa thuận về cung cấp thiết bị quốc phòng và diễn tập quân sự với các quốc gia thành viên ASEAN đã diễn ra.

Sau cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên giữa Nhật Bản và các nước ASEAN vào tháng 11/2014, khối ASEAN hiện đang trở thành một trong những đối tác khu vực chủ chốt của Nhật Bản về các vấn đề an ninh, sau Mỹ, Ôxtrâylia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Ngoại giao quốc phòng Nhật Bản đối với ASEAN tập trung vào ba lĩnh vực: mở rộng sự hiện diện, tăng cường quan hệ đối tác và chia sẻ các chuẩn mực và quy tắc chung. Điều này đã góp phần tạo ra các sức ép và trở ngại đối với quá trình Trung Quốc triển khai chiến lược cường quốc biển và đẩy mạnh các hoạt động đơn phương trên Biển Đông./.

  1. Nguyễn Thanh Minh, Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Tiếng việt, Học viện Ngoại giao, số 3 (108).

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thanh Minh (2016),Nhìn lại chặng đường tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 của Việt Nam giai đoạn 1994 – 2015, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 2.
  2. Nguyễn Thanh Minh (2016),Quá trình phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7.
  3. Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông: Xu hướng phát triển và mục tiêu chiến lược, Vietnam+, ngày 3/9/2016.
  4. Nhật Bản: Phán quyết của PCA về Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý, TTXVN, ngày 1/9/2016.

 

[1] Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh Trung Quốc và ASEAN tổ chức đối thoại xung quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Ông bày tỏ hy vọng lời Trung Quốc nói rằng sẽ không quân sự hóa trên biển tại Hội nghị Đông Á diễn ra vào năm 2015 sẽ trở thành hiện thực. Đối thoại nên được tổ chức làm tiền đề duy trì sự kiềm chế và phi quân sự hóa theo luật pháp quốc tế. Hơn nữa, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ ràng buộc Trung Quốc và Philíppin, hai bên tuân thủ phán quyết và giải quyết xung đột một cách hòa bình.

[2] Thực tế cho thấy, cho đến thời điểm năm 2016, hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế chưa có quy định về vùng nhận diện phòng không, nhưng trong thực tiễn đời sống quốc tế, ở một số khu vực và thời điểm lịch sử nhất định đã có tuyên bố về vùng nhận diện phòng không.

[3]首相 東・南シナ海の現状に深刻な懸念表明. http://www3.nhk.or.jp/news/html/20160908/k10010676241000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_045.

[4] Lực lượng của Nhật Bản đứng thứ ba trong các nước tham gia tập trận.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông