Giỏ hàng

Biển Đông trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ thời thủ tướng Narenda Modi, vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông ngày càng được đề cao. Trên cơ sở chính sách Hành động hướng Đông và sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã từng bước tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khu vực trong lĩnh vực hàng hải. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế trong cách tiếp cận, sự can dự của Ấn Độ góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn hợp tác cho các quốc gia yêu sách nhỏ ở khu vực trong vấn đề Biển Đông. Là quốc gia yêu sách chủ chốt, đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông, Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và hợp tác từ Ấn Độ, tạo lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Chính sách Hành động Hướng Đông - Từ “Tầm nhìn” đến “Hành động”

Chính sách can dự của Ấn Độ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nền tảng từ những năm 1990 với Chính sách Hướng Đông (LEP). LEP được Chính quyền Narasimha Rao đưa ra trong bối cảnh kinh tế và chính trị Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của LEP là thúc đẩy hợp tác kinh tế, ngoại giao với Đông Nam Á, mở rộng các mối quan hệ an ninh và quốc phòng với toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách này nhằm giúp Ấn Độ làm sâu sắc hơn nữa các mối liên kết chính trị và thể chế của Ấn Độ ở khu vực. Kể từ đó, LEP là cấu phần quan trọng trong hợp tác quốc tế của Ấn Độ. Động lực chính sách LEP một phần bị thúc đẩy bởi chiến lược cân bằng với Trung Quốc, đồng thời thể hiện mong muốn đóng vai trò lớn hơn nữa của Ấn Độ trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị.

Chiến thắng vang dội của Thủ tướng Narenda Modi trong cuộc bầu cử năm 2014 tiếp tục tạo đà cho Ấn Độ khẳng định vai trò chiến lược lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương và những hành vi quyết đoán của nước này trong tranh chấp biển ở Đông Á càng khiến cho vai trò của Ấn Độ ở Đông Á và Đông Nam Á trở nên quan trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar, Thủ tướng Narenda Modi đã chính thức tuyên bố “nâng cấp” LEP thành Chính sách Hành động hướng Đông (AEP).[1] Nếu như trước đây, đối với khu vực Đông Nam Á, trọng tâm của LEP là chỉ tập trung tăng cường hội nhập kinh tế, thì trọng tâm của AEP được mở rộng cả về lĩnh vực và quy mô: hội nhập cả về kinh tế và an ninh với Đông Nam Á và các quốc gia đối tác Đông Nam Á (ASEAN+). Thông điệp mà New Delhi muốn thể hiện là nước này đang ngày càng sẵn sàng đóng vai trò chiến lược chủ động và mạnh mẽ hơn. Việc chính quyền Modi nâng cấp từ LEP thành AEP thể hiện tầm nhìn và lợi ích về mối quan hệ chiến lược, kinh tế lâu dài với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, chính quyền Modi đã triển khai các bước đi tăng cường với khu vực, đặc biệt là với các đối tác Đông Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Việt Nam, Úc và ASEAN.[2]

Định vị Biển Đông trong AEP

Mặc dù là quốc gia Nam Á và không thuộc khu vực Biển Đông, nhưng Ấn Độ có lợi ích cả về kinh tế và an ninh - chính trị ở Biển Đông.

Lợi ích về kinh tế

Nền kinh tế Ấn Độ có mối liên kết chặt chẽ với khu vực. Biển Đông là vùng biển nửa kín và là đường kết nối tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên 55% hoạt động thương mại Ấn Độ đi qua vùng biển này.[3] Mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đối với AEP, mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN đóng vai trò như chất xúc tác và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Thương mại song phương đã tăng từ 2,4 tỉ USD năm 1990 lên tới 58,6 tỉ USD năm 2015, chiếm khoảng 2,6 % tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trở thành  đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN.[4]

Bên cạnh lợi ích giao thương biển, lợi ích của Ấn Độ còn được thể hiện qua hoạt động khai thác tài nguyên dầu khí, đặc biệt là với Việt Nam. Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác chung năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam từ cuối thập niên 80. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước ONGC Videsh Limited (OVL) đã hợp tác với PetroVietnam và British Petroleum, bắt đầu khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỉ mét khối, và có thể khai thác khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt một năm. Hiện tại, hai nước đang tiếp tục các dự án khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam khi quyết định gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam đã gia hạn quyền khai thác dầu khí giữa Petrovietnam và công ty ONGC Videsh của Ấn Độ tại lô 128 ở Biển Đông thêm 2 năm và cho phép khai thác ở một lô khác.[5] 

Lợi ích về an ninh, địa chính trị

Khi lợi ích kinh tế ở khu vực ngày càng mở rộng, các hoạt động an ninh của Ấn Độ ở Biển Đông buộc phải bắt kịp để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình tại đây. Mục tiêu về an ninh của Ấn Độ là duy trì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở. Điều này được các quan chức cấp cao Ấn Độ liên tục khẳng định tại các diễn đàn song phương, đa phương, tuyên bố song phương cũng như trong Thông cáo báo chí của Ấn Độ về Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông. Thông cáo khẳng định:

“Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế như đã được nêu trong UNCLOS….Giao thương đường biển qua Biển Đông là điều thiết yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là Bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS, Công ước thiết lập nên trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương.”[6]

Trên khía cạnh cạnh tranh địa chiến lược, trong tính toán của Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Biển Đông có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca (một số đảo của Ấn Độ chỉ cách eo biển Malacca khoảng 145km[7]). Do đó, việc Biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ gây ra những mối lo ngại lớn cho Ấn Độ.

Mục tiêu và thực tiễn triển khai

Mục tiêu

Để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là (i) tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; (ii) giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực; và (iii) Tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Hướng tới mục tiêu này, Ấn Độ trước mắt sẽ  muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc.[8] Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố Ứng xử DOC, tiến tới hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử COC mang tính ràng buộc pháp lý.

Trong trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Úc. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ chủ động tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng tính đến các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhân tố Trung Quốc như vị trí địa lý (có đường biên giới chung gần 3.500km), mối quan hệ thương mại (Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ) cũng như truyền thống trong chính sách đối ngoại (độc lập, không liên minh, liên kết). Vì vậy, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối mềm mỏng, gián tiếp, tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Theo đó, trên cơ sở AEP, Ấn Độ chủ yếu phối hợp, hợp tác với các quốc gia khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Indonesia, tích cực nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác chính là nâng cao năng lực biển, tăng cường năng lực cho các quốc gia, tuần tra chung, tập trận chung (ở các khu vực khác như eo biển Malaccar), phối hợp phát biểu trên các diễn đàn đa phương, và các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.

Thực tiễn triển khai

Hợp tác và tăng cường năng lực biển cho các quốc gia ASEAN

Trong lĩnh vực biển, tất cả các quốc gia có biển ở khu vực đều là những đối tác để Ấn Độ tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, trọng điểm sẽ là những quốc gia mang giá trị chiến lược quan trọng, cả về địa chính trị và kinh tế. Do đó, có thể chia thành hai nhóm quốc gia theo thứ tự ưu tiên: (i) nhóm các quốc gia ưu tiên tăng cường hợp tác, bao gồm Việt Nam và Indonesia; (ii) nhóm các quốc gia còn lại, bao gồm Singapore; Philippines, và Malaysia.

Nhóm các quốc gia ưu tiên hợp tác

Việt Nam

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Ấn Độ là nước luôn ủng hộ Việt Nam giành độc lập và giải phóng đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là quốc gia yêu sách chủ chốt, đồng thời cũng là quốc gia quan trọng trong AEP. Mối quan hệ truyền thống, sự tin tưởng, song trùng lợi ích và tầm nhìn chiến lược đối với Biển Đông đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, hàng hải.

Một trong những tác nhân chi phối đáng kể nhất đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đi vào chiều sâu là giữa hai bên có cùng chung lợi ích trong việc đảm bảo an ninh trên các tuyến đường biển và chia sẻ các mối quan ngại về vấn đề Biển Đông. Do đó, Ấn Độ đang giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện quốc phòng. Từ năm 2011, Hà Nội đã đề nghị New Delhi huấn luyện cho các thủy thủ tàu chiến, tàu ngầm và cho các phi công của mình về cách vận hành máy bay Sukhoi 30, và chuyển giao các tàu chiến hải quân cỡ vừa và tên lửa hành trình. Ấn Độ đã phản ứng tích cực. Hải quân Ấn Độ hiện đang huấn luyện khoảng 500 thủy thủ Việt Nam về tác chiến toàn diện dưới mặt nước tại cơ sở tàu ngầm INS Satavaham của nước này, trong khi Không quân Ấn Độ tiến hành huấn luyện chuyển đổi cho phi công thuộc Không quân Việt Nam. Hai bên đã đồng ý xúc tiến thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Biên phòng Việt Nam và kêu gọi sớm ký thỏa thuận khung gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng.[9] Ngoài ra, hàng năm, hải quân Ấn Độ cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm tàu quân sự tới Việt Nam. Đồng thời, lực lượng vũ trang 2 nước đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam.  

Hợp tác chiến lược giữa hai bên ở Biển Đông còn được thể hiện qua hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Ấn Độ đã hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông và bảo vệ quyết định của mình, bất chấp việc Trung Quốc thách thức tính hợp pháp về sự hiện diện của Ấn Độ. Điểm nổi bật là sự quyết liệt của New Delhi trong việc chống đối với Trung Quốc, điều này trái ngược với trước kia khi mà New Delhi vốn thường thích đứng ở bên lề và tránh về phe với bất kỳ quốc gia nào.

Indonesia

Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng đang tích cực đẩy mạnh hợp tác biển với Indonesia, một quốc gia đối tác tự nhiên của Ấn Độ. Không chỉ là nền dân chủ châu Á đa sắc tộc có mối liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời với Ấn Độ, vị trí địa chính trị của Indonesia tại eo biển Malacca và eo biển Sunda càng làm tăng thêm lợi ích chiến lược cho Ấn Độ can dự vào khu vực. Trong không gian địa lý biển chỉ cách nhau 80 hải lý, Ấn Độ và Indonesia có rất nhiều dư địa để phát triển mối quan hệ, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác an ninh biển. Đặc điểm này càng được thúc đẩy mạnh mẽ khi Chính quyền Tổng thống Jokowi triển khai tầm nhìn biến Indonesia thành trục biển toàn cầu. Dù có những bất đồng về vấn đề chủ quyền đối với đảo Natuna, Indonesia không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông. Do đó, việc Ấn Độ và Indonesia hợp tác trong lĩnh vực biển được xem là tập trung vào sự ổn định khu vực, an ninh an toàn hàng hải, hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Từ 2002, Hải quân Ấn Độ và Hải quân Indonesia đã tham gia tuần tra phối hợp chung (CORPAT) 2 lần/năm gần đường ranh giới biển quốc tế. Mục đích là nhằm hướng tới việc cùng thúc đẩy và tăng cường năng lực về tìm kiềm cứu nạn, kiểm soát môi trường, đảm bảo an toàn vận tải biển và thương mại quốc tế ở Ấn Độ Dương. Trong chuyến thăm Indonesia ngày 30/5/2018, hai bên đã ký kết hai văn bản quan trọng: (i) nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện; và (ii) Tầm nhìn chung của Ấn Độ và Indonesia: Hợp tác Hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó hai bên sẽ tăng cường hợp tác, thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải.[10] Đánh giá về Tầm nhìn chung, tại cuộc họp báo về chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ (đặc trách phương Đông) Smt. Preeti Saran cho rằng đây là lần đầu tiên Ấn Độ đưa ra một văn bản tầm nhìn chung với một quốc gia khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mang tính bao quát về hợp tác biển, phát triển kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng trong đó có cơ sở hạ tầng cảng biển và cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.[11] Trong chuyến thăm, hai bên cũng ký một số văn bản, gồm một văn bản hợp tác quốc phòng, thỏa thuận về không gian, lực lượng đặc biệt chung để phát triển cơ sở hạ tầng càng biển tại Sabang (khu vực gần phía đông nhất đảo Andaman và Nicobar, khoảng 90 hải lý, theo đó đóng vai trò rất quan trọng về mặt kết nối) và hợp tác về xây dựng kết nối với Andaman và tỉnh Aceh của Indonesia.[12]

Các quốc gia Đông Nam Á khác

Singapore

Ấn Độ cũng thiết lập mối quan hệ hợp tác biển rất gần gũi với Singapore. Từ năm 1994, Hải quân Ấn Độ và Singapore đã tổ chức các cuộc tập trận chung tại Biển Đông (SIMBEX). Mục tiêu cuộc tập trận chung là nhằm tăng cường năng lực tương tác giữa hải quân hai nước. SIMBEX ban đầu chỉ có trọng tâm là các hoạt động chống tàu ngầm, nhưng gần đây đã được nâng cấp về phạm vi và chất lượng.[13] Cuộc tập trận 2017 cho thấy hai bên đã mở rộng hoạt động tập trận, bao gồm tập trận tác chiến hải quân, phòng không, và bắn đạn thật. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Singapore ngày 1/6/2018, hai bên đã ký MoU về thực hiện thỏa thuận giữa hải quân hai nước về Điều phối Chung, Hỗ trợ Hậu cần và Dịch vụ cho tàu Hải quân, tàu ngầm và máy bay hải quân trong các chuyến thăm của hải quân hai nước.[14] 

Philippines

Mối quan hệ hợp tác biển giữa hai nước đang từng bước được thúc đẩy. Hàng năm, Ấn Độ vẫn tiến hành các cuộc viếng thăm tàu quân sự tới Philippines. Đáng chú ý, tháng 10/2017, hai tàu chiến Ấn Độ đã thăm Philippines nhân kỷ niệm 25 năm đối tác đối thoại Ấn Độ-ASEAN và nhấn mạnh mong muốn thắt chắt mối quan hệ hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên biển giữa hai nước. Trong Hội nghị Thượng Ấn Độ-ASEAN, Ấn Độ và Philippines đã ký MoU về hợp tác và hậu cần quốc phòng. Mục đích của MoU là tạo ra khuôn khổ thúc đẩy và tăng cường hợp tác, tăng cường điều phối giữa Bộ Quốc phòng hai nước nhằm hợp tác chung về dịch vụ và hỗ trợ hậu cần, và về phát triển, sản xuất, mua sắm thiết bị quốc phòng.[15] Trong vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016, Ấn Độ cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Phán quyết khi “ghi nhận” và “kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần tuân thủ tuyệt đối UNCLOS”.[16]

Malaysia

Mối quan hệ hợp tác trên biển giữa Ấn Độ và Malaysia vẫn đang được thúc đẩy, dù không nổi bật như với Việt Nam hay Indonesia. Vào tháng 7/2016, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia, hai bên đã quyết định tăng cường mở rộng hợp tác biển giữa Ấn Độ và Malaysia.[17] Một năm sau, trong chuyến thăm của Thủ tướng khi đó là ông Najib Razak tới Ấn Độ, Công ty phát triển Cảng Adani và Đặc khu kinh tế (APSEZ)  (công ty điều hành và phát triển cảng biển lớn nhất Ấn Độ) đã đề xuất hợp tác với đối tác Malaysia phát triển cảng Carey gần Kuala Lumpur.[18] Trong khi đó, hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn thực hiện các chuyến viếng thăm tàu quân sự tới Malaysia. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nazia tới Ấn Độ hồi tháng 4/2017, Thủ tướng Ấn Độ đã tái khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước trên các lĩnh vực: (i) huấn luyện và nâng cao năng lực; (ii) bảo dưỡng trang thiết bị quân sự; (iii) an ninh biển; (iv) đối phó với thảm họa thiên nhiên.[19]

Hợp tác biển Ấn Độ - ASEAN

Bên cạnh  hợp tác song phương với các quốc gia ASEAN, Ấn Độ cũng tập trung đẩy mạnh hợp tác biển đa phương với ASEAN. Các hợp tác này thể hiện trên 3 lĩnh vực chính là: an ninh hàng hải, phát triển kinh tế xanh dương, và kết nối biển. Tiếp nối từ chính sách LEP, chính sách AEP của Ấn Độ lấy ASEAN làm trọng tâm. Như phát biểu của Thủ tướng Modi tại Shangri - La năm 2018, cho rằng vấn đề an toàn và an ninh biển là hết sức quan trọng và các quốc gia cần hợp tác để đối phó với các thách thức, trong đó điểm tựa là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mối quan tâm về lợi ích biển, cả về kinh tế và địa chính trị, của Ấn Độ ngày càng được chú trọng đã tạo không gian và động lực cho lĩnh vực biển trong AEP. Trong bối cảnh đó, vai trò của Hải quân và Cảnh sát biển rất đáng chú ý. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia tuần tra và tập trận hải quân chung, hoạt động chống cướp biển, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Các hoạt động này diễn ra theo cả hai chiều: các hoạt động do Ấn Độ tổ chức và hoạt động do ASEAN tổ chức. Tập trận MILAN do Hải quân Ấn Độ tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần có sự tham gia đa số các quốc gia ASEAN. Tháng 2/2016, Ấn Độ đã thực hiện Diễn tập Đội hình Quốc tế với sự tham gia của 12 tàu từ các quốc gia EAS, trong đó có 5 tàu từ 6 quốc gia thành viên ASEAN.[20] Với các hoạt động do ASEAN chủ trì, Ấn Độ cũng tích cực tham gia. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia các cuộc tập trận do các quốc gia thuộc hội nghị ADMM+ tổ chức cũng như hàng năm vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến viếng thăm tàu hải quân tới các quốc gia EAS. Hàng năm, các quan chức cấp cao Ấn Độ vẫn tham dự Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), một diễn đàn ngoại giao kênh 1.5 tập trung thảo luận về các vấn đề quan tâm chung trên biển.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tích cực đẩy mạnh hợp tác và gắn kết với khu vực thông qua phát triển tổng thể về kinh tế xanh dương (blue economy). Điểm đặc biệt của kinh tế xanh dương là việc khai thác nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Cả Ấn Độ và ASEAN đều có chung tầm nhìn và mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.[21] Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 11, Thủ tướng Ấn Độ đã đề xuất chia sẻ kinh nghiệm của Ấn Độ và thiết lập đối tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, tận dụng tiềm năng mà nền kinh tế xanh mang lại. Hiện tại, Ấn Độ và ASEAN đã tổ chức được hai hội thảo về kinh tế xanh dương ASEAN - Ấn Độ, lần đầu vào năm 2017 tại Việt Nam và lần thứ hai năm 2018 tại Ấn Độ.

Một lĩnh vực quan trọng trong AEP nhằm đẩy mạnh hợp tác biển với ASEAN chính là kết nối biển. Đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên. Cả Ấn Độ và ASEAN đều là các quốc gia ven biển với bề dày lịch sử về thương mại biển. Do đó, việc khôi phục và phát huy mối liên kết vốn có này là hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy thịnh vượng, phát triển và lòng tin giữa hai bên. Ấn Độ cam kết thực thi Kế hoạch Tổng thế về Kết nối ASEAN (MPAC) theo tuyên bố của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN năm 2000,[22] đồng thời đưa ra tầm nhìn về An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả ở Khu vực (SAGAR) với mục đích kết nối các các biển của Ấn Độ với tất cả các quốc gia khu vực. Để thực hiện điều này, Ấn Độ đang thực hiện các bước đi nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng và năng lực tất cả các cảng quan trọng ở phía đông Ấn Độ, đồng thời hỗ trợ, đầu tư với các cảng biển các quốc gia ASEAN, như cảng Dawei (Myanmar). Để tạo thuận lợi cho giao thương biển, Ấn Độ đã đưa đề xuất đàm phán  Hiệp định Hợp tác Vận tải Biển ASEAN - Ấn Độ.  Mục tiêu của Hiệp định là giúp thúc đẩy tiếp cận dịch vụ trên biển thông qua sự minh bạch hơn nữa về quy định, chính sách và thực tiễn biển của các đối tác thương mại; thúc đẩy mua bán hàng hóa trên biển và tại các cảng; mở đường thiết lập các doanh nghiệp liên doanh về các lĩnh vực vận tải biển, đóng tàu và sửa chữa, huấn luyện, và công nghệ thông tin.[23] 

Những hạn chế về thực tiễn và hành động

Mặc dù có sự thay đổi về chính sách biển và tăng cường can dự hơn vào vấn đề Biển Đông, mức độ, cường độ quan tâm và hành động ở Biển Đông của Ấn Độ phụ thuộc: (i) thứ tự ưu tiên chiến lược; (ii) năng lực tài chính; và (iii) những tương tác trong mối quan hệ Ấn - Trung.

Về thứ tự ưu tiên chiến lược, Ấn Độ vẫn xem Ấn Độ Dương là khu vực chiến lược chính sách đối ngoại sống còn và Thủ tướng Modi đã nỗ lực đảm bảo rằng Ấn Độ vẫn sẽ duy trì là quốc gia khu vực có vai trò chi phối ở Ấn Độ Dương.[24] Về khía cạnh kinh tế, Ấn Độ Dương là khu vực đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tê Ấn Độ. Trong năm 2014, 50% lượng trung chuyển container toàn cầu và 70% lượng trung chuyển dầu khí thế giới đi qua khu vực Ấn Độ Dương. Khu vực này cũng có hai eo biển cực kỳ quan trọng là eo biển Malacca và eo biểu Hormuz. 75% số dầu nhập khẩu đi qua eo biển Malacca sẽ tới Trung Quốc, trong khi gần 60% (gần 200 tỉ USD) lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đi qua eo biển Hormuz.[25] Về mặt an ninh, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương. Không chỉ đầu tư phát triển Cảng Gwada tại Pakistan và Cảng Hambantota tại Sri Lanka, hàng năm Bắc Kinh còn điều gần 10 tàu chiến tới khu vực theo hình thức chống cướp biển.[26] Hơn nữa, Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận bán tàu ngầm lớp Yuan và tàu ngầm chạy diesel lớp Ming cho các quốc gia láng giềng Ấn Độ như Pakistan, và Bangladesh.[27] Điều này giải thích vì sao năm 2017, hải quân Ấn Độ tuyên bố sẽ triển khai ít nhất 12 tàu để tăng cường tuần tra, giám sát quanh năm các điểm “thắt cổ chai” và chống cướp biển khu vực Ấn Độ Dương.[28] Do đó, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng hạn chế và quân đội phải ưu tiên lợi ích khi phân bổ nguồn lực, Ấn Độ sẽ ưu tiên tập trung vào khu vực này. Vì vậy, Ấn Độ không có đủ năng lực hải quân để hỗ trợ các quốc gia ASEAN ở Biển Đông khiến cho họ hoặc phải “tự lực cánh sinh” hoặc nhân nhượng, khuất phục Trung Quốc. Điều đó khiến cho lời kêu gọi của Ấn Độ về tự do hàng hải dường như chỉ trên lý thuyết mà không hề đủ khả năng để thực hiện.

Về năng lực tài chính - kết nối, thực tế mối quan hệ của Ấn Độ với ASEAN dường như chỉ chiếm phần nhỏ so với nguồn đầu tư của Trung Quốc đổ vào khu vực và AEP chưa gặt hái được nhiều thành công để san lấp khoảng cách này. Cho đến nay, chính sách này chủ yếu mang “chủ nghĩa tượng trưng chính trị” tập trung chủ yếu vào xây dựng liên kết văn hóa, trong khi đưa ra rất ít lĩnh vực mang lại lợi ích kinh tế cụ thể cho ASEAN.[29] Một vấn đề khác thể hiện hạn chế về năng lực thực hiện các dự án là bộ máy hệ thống thiếu hiệu quả khiến cho các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng thường xuyên chậm tiến độ. Chẳng hạn, dự án cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan (IMT) khởi công vào đầu những năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.[30] Lý do chậm chạm là vì thiếu hoạch định đầy đủ và chính xác, thiếu những nghiên cứu khả thi cũng như sự điều phối của các cơ quan chuyên trách thực hiện dự án không hiệu quả.[31] 

Tương tự, gói tín dụng 1 tỉ USD của Ấn Độ 10 nước ASEAN để kết nối kỹ thuật số được Ấn Độ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ năm 2015 như một phần trong AEP. Tuy nhiên sau gần 40 tháng, rất ít quốc gia quan tâm. Trước sự hờ hững đó, tháng 1/2018 Delhi đã quyết định cấp 40 triệu USD cho những dự án tiên phong ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để giúp khởi động gói tín dụng. Dù vậy, trong số 10 nước, chỉ có Lào đã gửi yêu cầu chính thức về các dự án kết nối kỹ thuật số sử dụng gói tín dụng này. Nhưng yêu cầu của Lào cho 03 dự án qua kênh ngoại giao tháng 5/2017 vẫn chưa có tiến triển vì EXIM Bank không có “tư vấn về viễn thông”. Các quan chức Bộ truyền thông Ấn Độ cho rằng thủ tục ở EXIM BANK rất nặng nề và quan liêu, làm cho gói tín dụng không hấp dẫn với các nước ASEAN.[32]

Về tương tác trong mối quan hệ Trung - Ấn, những bất đồng về quan điểm địa chính trị (Sáng kiến Vành đai và Con đường, sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Pakistan, tư cách thành viên của Ấn Độ trong Nhóm Cung cấp Hạt nhân NSG,…), đặc biệt là vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, là những vấn đề thường trực gây căng thẳng trong mối quan hệ hai bên. Theo đó, sự can dự của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông phụ thuộc tương đối lớn vào sự vận động và tương tác của các vấn đề trên. Nếu như xảy ra một tình thế có tác động trực tiếp đến hệ quả trong vấn đề biên giới với Trung Quốc hay Pakistan cũng như mối đe dọa về sự hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương (thông qua việc kiểm soát Biển Đông, từ đó tạo đà đẩy mạnh hiện diện tại Ấn Độ Dương) và vùng ngoại vi, Ấn Độ sẽ chủ động đẩy mạnh can dự vấn đề Biển Đông. Nếu không, Ấn Độ sẽ không can dự trực tiếp và quá sâu.

Nhận định này có thể được minh họa rõ nét trong vấn đề Doklam. Cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017 kéo dài hơn 70 ngày là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí phía Ấn Độ đã chuẩn bị cho tình huống chiến tranh. Trong thời điểm khủng hoảng, Ấn Độ đã rất tích cực can dự vấn đề Biển Đông, cả trên thực địa lẫn tuyên bố ngoại giao. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng được giải quyết, đặc biệt là khoảng thời gian trước và sau hội nghị Thượng đỉnh không chính thức Trung - Ấn ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 5/2018, hai bên đều mong muốn làm ấm mối quan hệ. Do đó, sự can dự của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông tương đối hạn chế, ngay cả ở những tuyên bố không chính thức. Đặc biệt tại Đối thoại Shangri-La năm 2018, Thủ tướng Modi cũng không nêu vấn đề Biển Đông trong phát biểu của mình.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến quan điểm của Ấn Độ về vùng EEZ. Về mặt nào đó, quan điểm của Ấn Độ cũng có nét tương đồng với Trung Quốc khi tuyên bố: “Ấn Độ nhận thức rằng các quy định của UNCLOS không cho phép quốc gia khác thực hiện hoạt động hay tập trận quân sự ở vùng thềm lục địa hay EEZ, đặc biệt là khi liên quan đến việc sử dụng vũ khí hay chất nổ, mà không có sự cho phép của quốc gia ven biển”.[33] Ấn Độ đã để ngỏ khả năng để khi cần thiết có thể thực hiện quyền đó nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, ngoài ra điều đó cũng có thể hạn chế Trung Quốc tăng cường hiện diện gần các quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Đây cũng có thể là lý do Ấn Độ từ chối tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, về mặt lịch sử, pháp lý đối với một số tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng có sự tương đồng như ở Biển Đông. Nếu như suy luận logic về quyền lịch sử mà Trung Quốc diễn giải ở Biển Đông áp dụng cho vấn đề lãnh thổ trong tranh chấp Trung - Ấn ở khu vực Aksai Chin và Arunachal Pradesh, Ấn Độ sẽ gặp khó khăn khi chứng minh rằng Ấn Độ hay tổ tiên của mình đã kiểm soát những khu vực này cũng như khai thác nguồn tài nguyên ở đây.[34]

Tác động đối với Việt Nam

Trong trung và dài hạn, Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng cường hiện diện, tiến tới kiểm soát hiệu quả khu vực này. Do đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục can dự, tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tạo ra những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác song phương giữa hai nước.

Thứ nhất, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao năng lực biển cho Việt Nam. Với cách tiếp cận ôn hòa, mềm mỏng, việc Ấn Độ can dự vào Biển Đông nói chung, tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Điều này giúp mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng như mua sắm vũ khí, huấn luyện, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ tín dụng, tập trận chung trên biển, tăng cường năng lực cho lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam, tăng cường các chuyến thăm viếng của các tàu quân sự…

Thứ hai, tăng cường hợp tác về kinh tế.  Hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, đặc biệt là tại các lô nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, vừa đóng vai trò hợp tác kinh tế vừa mang ý nghĩa chính trị. Trong tháng 7/2017, Việt Nam đã gia hạn  quyền khai thác dầu khí của Ấn Độ (công ty ONGC) ở Biển Đông thêm 2 năm và đã bắt đầu cho phép khoan ở các khu vực khác mặc dù Trung Quốc phản đối. Những hoạt động như vậy vừa thúc đẩy lòng tin chính trị giữa hai nước đồng thời bảo đảm sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường hợp tác về chính trị. Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong AEP của Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhiều điểm tương đồng trong mối quan hệ với Trung Quốc: tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự trong quá khứ. Do đó, đây là cơ hội tốt để hai bên tăng cường hơn nữa mối quan hệ, tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong vấn đề Biển Đông trên thực địa cũng như tại các diễn đàn song phương và đa phương.

Thứ tư, duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Gần đây, cộng đồng quốc tế có xu hướng giảm quan tâm đến vấn đề Biển Đông: Singapore và đặc biệt là Philippines thay đổi cách tiếp cận theo hướng thỏa hiệp hơn; ASEAN không có bước chuyển mới, thậm chí bị Trung Quốc thao túng gần như hoàn toàn trong năm Chủ tịch của Philippines; Mỹ quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, vấn đề Biển Đông ít nhận được sự chú ý hơn so với trước đây. Ấn Độ là cường quốc đang nổi, có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt, tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, đồng thời có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Do đó, việc Ấn Độ quan tâm, lên tiếng và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm kiềm chế hành vi và ý định của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.

Kết luận

Lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông ngày càng trở nên rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đẩy mạnh thực hiện AEP. Để đảm bảo và tăng cường lợi ích của mình tại khu vực, Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhằm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở, giải quyết hòa bình tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, hòa bình và phát triển ở Biển Đông nói riêng cũng như ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Dù có những hạn chế nhất định trong cách tiếp cận, chính sách hoạt động của Ấn Độ mang lại những tác động tích cực cả về chính trị, an ninh và kinh tế đối với khu vực.

Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về lợi ích, tầm nhìn ở Biển Đông, mối quan hệ hai nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là quốc gia quan trọng trong AEP, đây sẽ là những “điểm tựa” vững chắc để hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường mối quan hệ, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trần Quang Châu là nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tài liệu tham khảo

  1. Danielle Rajendram, 2014, “India’s New Asia-Pacific Strategy: Modi Acts East”, The Lowy Institute
  2. Mohammed Ayoob, 1990, “India and Southeast Asia: Indian Perception and Policies” Routledge, London
  3. Abhijit Singh, “India’s Strategic Stakes in the South China Sea”, Asia Policy, Số 21, (tháng 1/2016)
  4. Koh Swee Lean Colin, “Looking East in Defence Perspectives on India-Southeast Asia Relations”, India Review, Số 12 (3), 2013
  5. Aditya Vijay, “India’s Trade and  Maritime Policy in the Indian  Ocean Region”, Centre for Public Policy Research (CPPR), 5/2018
  6. Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Statement on Award of Arbitral Tribunal on South China Sea Under Annexure VII of UNCLOS”, 12/7/2016
  7. Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “India-Vietnam Joint Statement during State visit of President of Vietnam to India (March 03, 2018)”,  3/3/2018
  8. Bộ Ngoại giao Ấn Độ,  “India-Indonesia Joint Statement during visit of Prime Minister to Indonesia (May 30, 2018)”, 30/5/2018
  9. Các Trang tin điện tử:

- Bộ Ngoại giao Ấn Độ: www.mea.gov.in

- Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ: www.pib.nic.in

- Hải quân Ấn Độ: www.indiannavy.nic.in

- Liên Hợp Quốc: www.un.org

- Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): www.asean.org

- The Economic Times: www.economictimes.indiatimes.com

- Stratfor: www.worldview.stratfor.com

- The Asahi Shimbun: www.asahi.com

- The Times of India: www.timesofindia.indiatimes.com

- The Indian Express: www.indianexpress.com

- The Diplomat: www.thediplomat.com

- Reuters: www.reuters.com


[1]  Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Opening Statement by Prime Minister at the 12th India-ASEAN Summit, Nay Pyi Taw, Myanmar”, 12/11/2014. Truy cập ngày 2/12/2018, xem tại  https://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/24230/Opening_Statement_by_

[2] Danielle Rajendram, 2014, “India’s New Asia-Pacific Strategy: Modi Acts East”, The Lowy Institute,  xem tại https://www.lowyinstitute.org/sites/default/files/indias-new-asia-pacific-strategy-modi-acts-east.pdf

[3] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “QUESTION NO.2014 INDIA’S INTEREST IN SOUTH CHINA SEA REGION”4/8/2016. Truy cập ngày 2/12/2018, xem tại  https://www.mea.gov.in/rajya-sabha.htm?dtl/27229/QUESTION+NO2014+INDIAS+INTEREST+IN+SOUTH+CHINA+SEA+REGION

[4] ASEAN, “ASEAN Trade by Parner Countries/Regions, 2015”,  30/8/2016. Truy cập ngày 2/12/2018,  xem tạihttp://asean.org/storage/2016/11/Table24_as-of-6-dec-2016.pdf

[5] Mai Nguyen, Nidhi Verma, Sanjeev Miglani, “Vietnam renews India oil deal in tense South China Sea”, Reuters, 6/7/2017. Truy cập ngày 2/12/2018, xem tại  https://www.reuters.com/article/us-southchinasea-vietnam-idUSKBN19R25P

[6] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Statement on Award of Arbitral Tribunal on South China Sea Under Annexure VII of UNCLOS”, 12/7/2016. Truy cập ngày 2/12/2018, xem tại  http://www.mea.gov.in/press-releases.htm?dtl/27019/Statement+on+Award+of+Arbitral+Tribunal+on+South+China+Sea+Under+Annexure+VII+of+UNCLOS

[7] Mohammed Ayoob, 1990, “India and Southeast Asia: Indian Perception and Policies” Routledge, London, tr. 9

[8] Abhijit Singh, “India’s Strategic Stakes in the South China Sea”, Asia Policy, Số 21, (tháng 1/2016), tr. 20

[9] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “India-Vietnam Joint Statement during State visit of President of Vietnam to India (March 03, 2018)”,  3/3/2018. Truy cập ngày 2/12/2018, xem tại http://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/29535/IndiaVietnam+Joint+Statement+during+State+visit+of+President+of+Vietnam+to+India+March+03+2018

[10] Bộ Ngoại giao Ấn Độ,  “India-Indonesia Joint Statement during visit of Prime Minister to Indonesia (May 30, 2018)”, 30/5/2018. Truy cập ngày 2/12/2018, xem tại https://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/29932/IndiaIndonesia+Joint+Statement+during+visit+of+Prime+Minister+to+Indonesia+May+30+2018

[11] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Transcript of Media Briefing by Secretary (EAST) in Jakarta during Prime Minister's visit to Indoensia”, 1/6/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại https://www.mea.gov.in/media-briefings.htm?dtl/29940/Transcript+of+Media+Briefing+by+Secretary+EAST+in+Jakarta+during+Prime+Ministers+visit+to+Indoensia

[12] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Transcript of Media Briefing by Secretary (EAST) in Jakarta during Prime Minister's visit to Indoensia”, 1/6/2018.

[13] Koh Swee Lean Colin, “Looking East in Defence Perspectives on India-Southeast Asia Relations”, India Review, Số 12 (3), 2013, tr. 186-206,  https://doi.org/10.1080/14736489.2013.821326

[14] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “List of MoUs signed between India and Singapore during visit of Prime Minister to Singapore”, 1/6/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại https://www.mea.gov.in/bilateral-documents.htm?dtl/29939/List+of+MoUs+signed+between+India+and+Singapore+during+visit+of+Prime+Minister+to+Singapore

[15] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Visit by Dignitaries”, 2017. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại http://mea.gov.in/Images/attach/loksabha_1_new.pdf

[16] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Statement on Award of Arbitral Tribunal on South China Sea Under Annexure VII of UNCLOS”, 12/7/2016

[17] Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ, “Admiral Tan Sri Ahmad Kamarulzaman bin Haji Ahmad Badaruddin of Royal Malaysian Navy visits India”,  25/7/2016. Truy cập ngày 3/12/2018,  xem http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=147653

[18] MMC Corporation, “MMC Partners Adani Ports for Carey Island Port Project”, 3/4/2017. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại https://www.mmc.com.my/20170403%20Joint%20PR%20Adani%20MMC%20SDP%20MOU.pdf

[19] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Press Statement by Prime Minister during the State visit of Prime Minister of Malaysia to India”,  1/4/2017. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  http://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/28293/press+statement+by+prime+minister+during+the+state+visit+of+prime+minister+of+malaysia+to+india

[20] Hải quân Ấn Độ, “International Fleet Review – 2016”, 4/2/2016. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại https://www.indiannavy.nic.in/content/international-fleet-review-2016-1

[21] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Remarks by External Affairs Minister at the 5th Roundtable of the ASEAN-India Network of Think Tanks (January 06, 2018)”, 6/1/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại http://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/29337/Remarks_by_External_Affairs_Minister_at_the_5th_Roundtable_of_the_ASEANIndia_Network_of_Think_Tanks_January_06_2018

[22] Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ, “Delhi Declaration of the ASEAN-India Commemorative Summit to mark the 25th Anniversary of ASEAN-India Dialogue Relations”, 25/1/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=175908

[23] Prabir De, “Reshaping Indo-Pacific Cooperation”The Economic Times, 29/9/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại https://economictimes.indiatimes.com/blogs/et-commentary/reshaping-indo-pacific-cooperation/

[24] Aditya Vijay, “India’s Trade and  Maritime Policy in the Indian  Ocean Region”, Centre for Public Policy Research (CPPR), 5/2018, tr.1. Xem tại https://www.cppr.in/wp-content/uploads/2018/05/India%E2%80%99s-Trade-and-Maritime-Policy-in-the-Indian-Ocean-Region.pdf

[25] Aditya Vijay, “India’s Trade and  Maritime Policy in the Indian  Ocean Region”, Centre for Public Policy Research (CPPR), 5/2018, tr.2

[26] Stratfor, “India and the U.S. Find Common Ground in the Indo-Pacific” 29/1/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  https://worldview.stratfor.com/article/india-and-us-find-common-ground-indo-pacific

[27] Eishiro Takeishi,  Daisuke Nishimura và Akihiko Kaise, “China making new inroads in Indian Ocean with cheap subs” The Asahi Shimbun, 15/1/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201801150036.html

[28] Rajat Pandit, “Eye on China, India expands naval footprint in Indian Ocean”, The Times of India, 25/10/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  https://timesofindia.indiatimes.com/india/india-expands-naval-footprint-in-indian-ocean-as-a-net-security-provider-with-an-eye-on-china/articleshow/61210011.cms

[29] Aditya Vijay, “India’s Trade and  Maritime Policy in the Indian  Ocean Region”, Centre for Public Policy Research (CPPR), 5/2018, tr.9

[30] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “QUESTION NO.2252 TRILATERAL HIGHWAY”, 15/3/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  https://mea.gov.in/rajya-sabha.htm?dtl/29652/question+no2252+trilateral+highway

[31] Aditya Vijay, “India’s Trade and  Maritime Policy in the Indian  Ocean Region”, Centre for Public Policy Research (CPPR), 5/2018, tr.9

[32] Sushant Singh, “Three years, no takers for India’s $1-billion credit line for ASEAN digital links”, The Indian Express, 4/4/2018. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại  https://indianexpress.com/article/india/three-years-no-takers-for-indias-1-billion-credit-line-for-asean-digital-links-narerndra-modi-5122440/

[33] United Nations, “United Nations Convention on the Law of the Sea: Upon ratification/

Accession of India”,  29/6/1995. Truy cập ngày 4/12/2018, xem tại http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm#India%20Declaration%20made%20upon%20ratification

[34] Akhilesh Pillalamarri, “India and the Downsides of the South China Sea Decision” The Diplomat, 10/7/2016. Truy cập ngày 3/12/2018, xem tại http://thediplomat.com/2016/07/india-and-the-downsides-of-the-south-china-sea-decision/

 

 

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông