Giỏ hàng

Nhận diện chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Để giành kiểm soát trên Biển Đông, đầu tiên, Trung Quốc cần phải cô lập khu vực. Trong nỗ lực cô lập khu vực, Trung Quốc sử dụng chiến lược hai hướng “cây gậy và củ cà rốt”, vừa lôi kéo các nước láng giềng khi thuận tiện trong khi đe dọa các nước chống đối mình

Lính thủy Trung Quốc đang sử dụng ống nhòm Ảnh Reuters

Lính thủy Trung Quốc đang sử dụng ống nhòm Ảnh Reuters

Chiến thuật: cô lập khu vực khỏi các cường quốc.

Trung Quốc muốn loại bỏ hai bên đối trọng hiện tại ở khu vực cũng như một đối thủ cạnh tranh đó là Ấn Độ. Việc loại bỏ Mỹ khỏi Biển Đông sẽ đe dọa đến vị thế rộng hơn của Mỹ khu vực Đông Á. Điều đó có thể phá hoại uy tín của Mỹ trong vai trò là bên đảm bảo an ninh và có thể làm suy yếu các đồng minh khu vực vì những đồng minh của Mỹ có thể lo ngại rằng họ có thể không thể dựa vào sự đảm bảo của Mỹ được nữa.[1] Điều đó cũng làm suy yếu sự răn đe của Mỹ vì Mỹ đã thất bại trong việc đáp trả lại thách thức, tạo ra sự khuyến khích cho những thách thức tương lai.

Bắc Kinh cũng hi vọng làm suy yếu Nhật Bản, đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ở đây, Trung Quốc sử dụng hai phương pháp. Đầu tiên, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại về sự tàn bạo của Nhật trong Thế chiến thứ hai. Thứ hai, Trung Quốc đưa ra viện trợ quốc tế nhiều hơn Nhật Bản nhưng không gắn với các điều kiện quản trị tốt, chống tham nhũng và những điều kiện được quốc tế thừa nhận khác để lấy lòng các nước trong khu vực, đặc biệt là các chế độ độ đoán và những nền dân chủ lỏng lẻo dễ dẫn đến tham nhũng. Những chính sách này đe dọa đến quản trị tự do và trật tự thế giới tự do.

Về lâu dài, Bắc Kinh lo ngại Ấn Độ hơn Nhật Bản. Bị sa lầy vào suy thoái kinh tế trong nhiều năm nay, dân số của Nhật Bản đang già hóa, bị thu hẹp và không có vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đối nghịch  về mọi mặt, và có chung biên giới với Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc tập trung làm suy yếu Ấn Độ và kiềm chế nước này.[2] Chính sách Ấn Độ của Trung Quốc bắt đầu từ Pakistan, theo đó, Trung Quốc hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và công nghệ hạt nhân cho nước này, qua đó làm cho Ấn Độ không tập trung được vào Trung Quốc. Có những sự quả quyết của Trung Quốc được lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc sẽ giúp Pakistan đạt được vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Cũng có một số lập luận rằng Trung Quốc đã bí mật thử vũ khí cho Pakistan.[3] Trung Quốc cũng đã tiến hành thỏa thuận với các nước láng giềng Ấn Độ với hi vọng làm suy yếu Ấn Độ. Ví dụ, năm 2014, Tập Cận Bình đã ghé thăm Sri Lanka để ký kết hàng loạt các thỏa thuận về việc chấm dứt sự thống trị của Ấn Độ đối với quốc đảo này và thay thế Ấn Độ trở thành đối tác chính của Sri Lanka.[4]Trung Quốc cũng dành quyền kiểm soát cảng Hambantota của Sri Lanka tháng 11 năm 2017 qua hợp đồng thuê 99 năm. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ Sri Lanka trong việc chống lại các yêu cầu từ phương Tây điều tra cái chết của các thường dân trong cuộc nội chiến của nước này, qua đó cung cấp các vốn chính trị cho Colombo. Rộng hơn, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đe dọa tạo ra vanh đai biển bao vây Ấn Độ. Ví dụ, Trung Quốc đã dùng các khoản nợ để kiểm soát các vị trí quan trọng ở Djibouti và Maldives.

Trung Quốc cũng lặp lại các chiến thuật thử phản ứng (tried and true). Chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng giống chiến thuật làm suy yếu Nhật Bản ở Biển Đông và xung quanh Ấn Độ. Những chính sách đó vẫn tiếp tục đến nay, ở thời điểm mà Trung Quốc cố gắng để thôn tính Đài Loan khi một lãnh đạo thân Trung Quốc đương nhiệm ví dụ như Mã Anh Cửu) và cô lập Đài Loan khi một chế độ không thân thiện cầm quyền (ví dụ như  Thái Anh Văn) mọi lúc đều gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan. Các nước ASEAN cũng đối mặt với những áp lực tương tự. Trung Quốc sử dụng đồng minh của mình là Cam-pu-chia, Lào ở ASEAN để ngăn các thỏa thuận đa phương trong chính sách về Biển Đông. Trong nội khối ASEAN, Trung Quốc nỗ lực cô lập các thành viên để tiến tới đàm phán song phương (điều này diễn ra với Việt Nam, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a).[5] Những chính sách làm suy yếu cơ sở hạ tầng chính trị tự do đã và đang tồn tại ở khu vực.

Chiến thuật thuyết phục kinh tế

Tại cùng thời điểm, Bắc Kinh nỗ lực chia cắt các nước, Trung Quốc cũng dùng sức mạnh kinh tế của mình để thực hiện các mục đích chiến lược. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với nhiều nước trên thế giới và nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn nhất đối với các nước khác. Trung Quốc thường đưa ra các khoản viện trợ ngay cả đối với những đối thủ của mình với hy vọng kéo họ về quỹ đạo của Bắc Kinh. Điều này đã đặc biệt gây rối loạn cho các nền dân chủ hoặc các nước đang nỗ lực hướng tới xây dựng nền dân chủ. Ở những nước này, Trung Quốc có thể chờ cơ hội tốt cho đến lúc một chính phủ có lợi cho Trung Quốc được bầu lên, sau đó, củng cố thêm mối liên kết và sự phụ thuộc của nước đó vào mình như trường hợp của Phi-líp-pin.

Người Phi-líp-pin tiết lộ “ván cờ lâu dài” (long-game) của Trung Quốc. Phi-líp-pin đã cho thấy sự dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tham nhũng trong chính phủ của mình. Vào đầu những năm 2000, sau đó Tổng thống Arroyo đã phê duyệt hàng loạt các dự án có ít lợi ích lâu dài cho Phi-líp-pin. Ví dụ, dự án nghiên cứu địa chấn chung (JMSU) giữa Phi-líp-pin, Việt Nam và Trung Quốc, được khởi xướng bởi Phi-líp-pin, đã vi phạm quy tắc bất thành văn của ASEAN là tránh các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, vì thế làm suy yếu ASEAN, và có nguy cơ nhượng bộ lãnh thổ của Phi-líp-pin. Có vẻ như JMSU dựa vào khoản vay vốn chắp vá không rõ ràng từ phía Trung Quốc.[6] ‘Hợp tác kinh tế song phương” tương tự xảy ra vào năm 2006 khi Phi-líp-pin tìm kiếm viện trợ của Trung Quốc. Trong khi Ngân hàng Thế giới đã chuẩn bị cho Phi-líp-pin vay khoảng 200 triệu đô và cho Nhật Bản vay 1 tỉ đô, Trung Quốc đã nhảy vào với đề nghị cho vay 2 tỉ đô một năm cho đến năm 2010 từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu của nước này.[7] Khoản viện trợ này không có các điều kiện ràng buộc như các khoản viện trợ của Ngân hàng phương Tây, dễ dẫn đến tham nhũng hơn và để Trung Quốc có thể tự thầu khoán và sử dụng lực lượng lao động của mình.[8] Tuy nhiên, những dự án khác khởi xướng bởi Tổng thống Arroyo bao gồm mạng lưới băng thông rộng quốc gia và dự án đường sắt phía Bắc mỗi dự án được viện trợ tài chính qua các khoản cho vay mềm của Trung Quốc.[9] Mặc dù các học giả, công chúng, những người lập pháp đối lập và các tòa án cố gắng để xóa bỏ các thỏa thuận này thì một số thỏa thuận vẫn còn tồn tại và Trung Quốc từng bước tiến gần hơn tới việc bắt Phi-líp-pin phải lệ thuộc.

Sự mở rộng từng bước của chủ nghĩa độc tài và tham nhũng càng rõ ràng hơn dưới thời của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte. Tòa trọng tài theo điều khoản của UNCLOS đã đưa ra phán quyết chống lại hầu như gần hết các yêu sách của Trung Quốc vào tháng 7/2016. Tòa chỉ trích Trung Quốc ngăn cản Phi-líp-pin tiếp cận Vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc không ngăn chặn các nước bày tỏ quan điểm ủng hộ các quyết định của tòa, mà còn tạo ra một cú xoay chuyển ngoạn mục khi thuyết phục vị tổng thống mới của Phi-líp-pin ngăn chặn các chỉ trích từ phía ASEAN về việc xây dựng đảo của Trung Quốc.[10] Duterte đã dẫn ra các khoản vay hàng tỉ từ phía Trung Quốc nhưng đó là cái giá rất nhỏ để đạt được kiểm soát Vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, đặc biệt là khi các khoản nợ này phải được trả lại hoặc Trung Quốc sẽ tiến hành chiếm hữu các tài sản khác quan trọng của Phi-líp-pin. Dưới thời Duterte, Phi-líp-pin đã trở nên bạc nhược đến nỗi nước này đã dừng thi công trên một bãi cát gần đảo Thị Tứ do Phi-líp-pin chiếm đóng, đảo tự nhiên lớn thứ hai của Trường Sa. Dù lập luận của Phi-líp-pin là gì đi nữa thì cũng không thỏa đáng, và càng làm cho cuộc tấn công của Trung Quốc trên Biển Đông và đối với trật tự thế giới tự do diễn ra mạnh hơn.

Trung Quốc cũng có chiêu trò tương tự với Đài Loan. Khi chính phủ thân thiện lên nắm quyền, Trung Quốc làm mọi thứ có thể để tạo ra sự phụ thuộc từ phía Đài Loan. Khi một chính phủ không thân thiện lên nắm quyền, Trung Quốc chuyển sang cô lập, đe dọa và làm cho sự cùng tồn tại của hai bên càng khó khăn hơn. Một lần nữa, chính xã hội dân sự đã vươn lên để ngăn chặn các thỏa thuận đặc biệt nghiêm trọng, như Hiệp ước thương mại dịch vụ xuyên eo biển năm 2014. Thỏa thuận này khiến nhiều người Đài Loan sợ hãi, cả về lý do kinh tế và an ninh. Phong trào biển tình Hoa Hướng Dương của sinh viên nhận thấy đây là một mối đe dọa đối với doanh nghiệp địa phương và nền dân chủ đã ra sức ngăn chặn hiệp ước.[11] Tuy nhiên, không thể chắc chắn được liệu xã hội dân sự sẽ có thể ngăn chặn được bao nhiêu lần nữa những hiệp ước ngọt ngào này giữa Trung Quốc và giới tinh hoa tham nhũng.[12] Trung Quốc giữ bí mật các hiệp ước này khi có thể vì nước này hiểu rằng nhìn chung dân chúng sẽ không ủng hộ. Trung Quốc đã tuyên bố hội nhập kinh tế sẽ xảy ra trước khi có giao thoa về chính trị, nên những hiệp ước này thực sự là những bước tiến tới đồng hóa chính trị.

Tại thời điểm mua chuộc kinh tế xảy ra, “ngoại giao nụ cười” (smile diplomacy) cũng đang được thực hiện. Ở đây, Trung Quốc đưa ra các biện pháp trấn an khác nhau về chính trị đối với các nước láng giềng ngay cả khi Trung Quốc có những bất đồng lớn về tự do hàng hải. Ngoại giao nụ cười thường diễn ra tại các diễn đàn đa phương và ít tốn kém. Ví dụ, Trung Quốc tổ chức APEC vào tháng 11 năm 2014 và đã mời Ấn Độ đến để bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc chào mừng Ấn Độ tham gia APEC. Trung Quốc cũng tiến hành tương tự với Mông Cổ. Và “năm 2003, Trung Quốc trở thành cường quốc đầu tiên gia nhập Hiệp ước thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á ký kết năm 1976. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký kết Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông với các bên yêu sách đối với Trường Sa và những khu vực chống lấn bên ngoài.”[13]

Năm 2017, sau trì hoãn kéo dài 15 năm cho phép Trung Quốc giành kiểm soát trên Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố “thỏa thuận khung” cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) theo sau DOC.[14] Thật nực cười nếu thỏa thuận này không phải là bi kịch đối với trật tự thế giới tự do.

Trong khi Trung Quốc thực hiện ngoại giao nụ cười, xây dựng các mối quan hệ kinh tế, và nỗ lực để lan tỏa quyền lực mềm khắp châu Á, bên dưới lớp gang tay nhung là sự cưỡng ép. Sự cưỡng ép không nhất thiết phải về quân sự, quy mô thị trường của Trung Quốc có thể tạo ra các mối đe dọa về kinh tế. Trung Quốc có thể thao túng quyền tiếp cận vào thị trường của mình hơn các nước dân chủ khác bởi vì các điều luật ở Trung Quốc rất yếu và các nhà lãnh đạo dễ dàng thay đổi luật pháp hoặc sử dụng hệ thống quan liêu để thay đổi các quy tắc theo ý muốn.[15] Một số ví dụ gần đầy như việc cấm các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thuê các công ty tư vấn nước ngoài và cấm các cơ quan chính phủ mua hệ điều hành mới nhất của Microsoft – điều này cho thấy  những nguy cơ mà các công ty nước ngoài sẽ phải đối mặt khi đầu tư vào Trung Quốc.[16] Các hành động của Trung Quốc trong việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm và hạn chế nhập khẩu chuối Phi-líp-pin đã làm rõ hơn cách tiếp cận ép buộc. Việc bắt nạt về kinh tế thường xảy ra đồng thời với thái độ không nhân nhượng và bác bỏ các thể chế tự do.

Chiến thuật: Hội nhập khu vực

Hội nhập khu vực là một mục tiêu của Trung Quốc vì quá trình này làm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây đặc biệt là với Mỹ. Hội nhập theo cách này có thể đảm bảo vị thế số một của Trung Quốc trong khu vực. “Các thể chế khu vực Đông Á loại trừ Mỹ có thể giúp Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước láng giềng, một khả năng được đề cập đến trong các cuộc tranh luận ở Trung Quốc”.[17] Mặc dù trước đây bị nhìn nhận một cách đầy hoài nghi, chủ nghĩa đa phương đã ngày càng được coi là công cụ cho Trung Quốc thúc đẩy tham vọng và theo đuổi quyền lực to lớn.[18] Có một sự đồng thuận ngày càng tăng ở Trung Quốc rằng hội nhập khu vực có thể cho phép Trung Quốc theo đuổi lợi ích của mình và củng cố vị thế đã từng có trong lịch sử của Trung Quốc ở trung tâm của nền chính trị khu vực.[19] Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã sẵn sàng hi sinh những lợi ích kinh tế trước mắt của mình cho các lợi ích chiến lược dài hơi hơn.[20]

Trung Quốc dường như không chắc chắn về việc tổ chức nào sẽ có nhiều tiềm năng hơn hứa hẹn giúp nước này đạt được sự hội nhập khu vực của mình, tuy nhiên ASEAN với cơ cấu tổ chức hiện tại có vẻ như không phải là nơi lý tưởng. Trung Quốc thấy rằng ASEAN không phù hợp vì cùng lý do rằng Trung Quốc cũng có thể ngăn cản các nỗ lực của ASEAN để giải quyết trong hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông (ví dụ như cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận). Thay vào đó, Trung Quốc đã tập trung vào thành lập “Cộng đồng Đông Á” có thể phát triển tính “tập thể” (we-ness) mà loại trừ được phương Tây. Điều này có thể xây dựng nên ảnh hưởng văn hóa truyền thống của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực Đông Á.[21] Điều này cũng nối lại với chủ nghĩa dân tộc truyền thống châu Á (mặc dù không phải với chủ nghĩa dân tộc của người Hán). Một ví dụ của nỗ lực này đã được thể hiện trong “chiến lược quả óc chó”. Như đã giải thích với Mark Beeson và Fjian Li, chiến lược này nỗ lực xây dựng ASEAN +3. Cơ chế +3 đề cập đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (lõi của gỗ óc chó), loại trừ phương Tây và đặc biệt là Mỹ. Vỏ của quả óc chó có thể bao gồm các nước phương Tây như Úc, Niu- Zi- lân cũng như Ấn Độ nhưng vẫn loại trừ Mỹ.[22] Những bước tiếp cận này là những nỗ lực trong việc “gắn kết các nước Đông Nam Á với Trung Quốc và sử dụng cộng đồng người Hoa ở khắp khu vực Đông Nam Á”.[23] Tất nhiên, sáng kiến BRI sẽ đạt được những mục tiêu tương tự, tuy nhiên, lớp bọc thể chế vẫn chưa rõ ràng.

Dù cho hội nhập khu vực ở châu Á theo hình thức nào đi nữa, Trung Quốc là nước thống trị về kinh tế và quân sự ở khu vực. Một thực tế rõ ràng là các quốc gia trong khu vực đang ngày càng gia tăng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc; điều đáng đặt câu hỏi là phụ thuộc lẫn nhau này có hình thức ra sao và mỗi bên sẽ thu được lợi ích ở mức độ nào.[24]

Các nước láng giềng Trung Quốc thu lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Những mối quan hệ kinh tế này sẽ dẫn đến những mối gắn kết chính trị gần gũi hơn vào các thể chế do Trung Quốc thống trị. Điều duy nhất có thể làm chệch hướng kết quả đó là một Trung Quốc thiếu kiên nhẫn thúc đẩy xu hướng chính trị cân bằng ở các nước láng giềng và sự can dự sâu hơn của Mỹ. Tuy nhiên, đây dường như là cách tiếp cận của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trung Quốc kiên quyết tìm kiếm sự nhượng bộ trên biển ngay tại thời điểm này.

Trên Biển Đông, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như không tán thành với bất cứ loại dàn xếp thỏa thuận nào. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông. Bắc Kinh chiếm các đảo và nỗ lực ngăn chặn việc tiếp tế cho các cơ sở của các nước khác. Trung Quốc từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận đa phương. Trung Quốc sửa các tàu chiến thành tàu hải giám và vào tháng 4 năm 2018 đặt lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc dưới quyền chỉ huy quân đội. Mặc dù tránh tỏ thái độ thù địch công khai, nhưng Trung Quốc đã gây hấn một cách đáng lo ngại.[25] Trung Quốc từ chối chấp nhận xét xử công bằng hoặc bất cứ loại luật lệ nào khác. Sau tháng 7 năm 2016, toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là bất hợp pháp và xác nhận các quyền của Phi-líp-pin trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này, Trung Quốc đã đáp lại với “ba không”: không công nhận, không tham gia và không tuân thủ phán quyết. Trung Quốc bác bỏ giá trị của phán quyết và coi phán quyết đó không khác gì một tờ giấy lộn.[26] Dường như chính sách của Mỹ để biến Trung Quốc thành một bên liên quan có trách nhiệm đã không đạt được kết quả mong muốn.

Chiến thuật lát cắt xúc xích và bắp cải

Một số người gọi bước tiếp cận trong những năm gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là chiến thuật “lát cắt xúc xích”. Trung Quốc cô lập các vùng nhỏ trên Biển Đông, từng vùng một, không bao giờ đủ lớn để gây phản ứng quân sự từ các nước khác nhưng dẫn đến những thay đổi trong kiểm soát các thực thể trên biển và cuối cùng là toàn bộ Biển Đông.[27] Các quốc gia khu vực không có khả năng đáp trả các thách thức của Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vì sự khiêu khích của Trung Quốc là không đủ lớn. Hơn nữa, không có bộ quy tắc ứng xử khu vực (COC) vì Trung Quốc (thông qua Cam-pu-chia và Lào) đã ngăn cản ASEAN đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.[28] Các cuộc đàm phán về khung dự thảo COC cuối cùng đã bắt đầu vào tháng 3/2018, nhưng có rất ít lý do hoặc bằng chứng để mong đợi một sự hoàn tất nhanh chóng.

Khi chiếm được một thực thể địa chất trên Biển Đông, Trung Quốc chuyển sang một chiến thuật gọi là “chiến lược bắp cải”. Trung Quốc bao vây các đảo, rặng san hô hoặc các thực thể khác trong một cái kén bao gồm các tàu cá, các tàu thực thi luật, và tàu quân sự. Như được mô tả bởi đại tướng Zhang Zhaodong của quân đội hải quân Trung Quốc.          

“Vùng đảo được bao bọc bởi lớp này đến lớp khác như bắp cải. Như vậy, một chiến lược bắp cải đã định hình. Nếu Phi-líp-pin muốn vào đó, ở những vùng biển ngoài khơi nhất, đầu tiên Phi-líp-pin cần có sự cho phép của hải quân chúng ta. Sau đó, Phi-líp-pin phải xin phép các các tàu cá và tàu dân sự. Vì thế, tàu cá của chúng ta có thể đánh bắ một cách an toàn trong khi các quyền và lợi ích biển cũng như chủ quyền quốc gia [của Trung Quốc] được đảm bảo.”[29]

Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng quân sự trên bảy đảo ở Biển Đông theo cách này. Các cuộc nâng cấp đã hoàn thành trên các rặng san hô của đảo Trường Sa, các bãi cạn và các thực thể khác qua các dự án “cải tạo” đất của Trung Quốc. Có các lắp đặt quân sự phạm vi rộng trên Đá Chữ thập, Đá Subi và Bãi Vành Khăn. Mỗi một trong ba thực thể này đã được hoàn tất với đường bay, kho chứa ngầm, các hệ thống liên lạc, ra-đa, cảm biến quân sự, hầm chứa cho các tên lửa tấn công và hệ thống phòng thủ tầm ngắn.[30] Bốn đảo khác nhỏ hơn, đá Gạc Ma, Châu Viên, Ga-ven và Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) đều được trang bị súng phòng không và có thể là hệ thống vũ khí phòng vệ tầm thấp để chống lại các cuộc tấn công tên lửa hành trình.[31] Những hệ thống này giúp Trung Quốc nhận diện được tình hình và kiểm soát hiệu quả các phần phía nam của Biển Đông. Việc xây dựng một căn cứ trên bãi cạn Scarborough sẽ hoàn thành việc chiếm đóng trên Biển Đông. Trong trường hợp chiến tranh, những căn cứ này sẽ tạo ra một nền tảng cho việc triển khai lực lượng sâu vào Thái Bình Dương và đồng minh Mỹ trước các mối nguy hiểm lớn hơn.

Dường như có thể PLA nhận ra thành công của bước tiếp cận này và thúc giục tiếp tục chiến thuật này.

“Chúng ta cần làm nhiều hơn những việc tương tự trong tương lai. Với những đảo nhỏ (nắm giữ bởi các nước khác), chỉ có một số quân lính có thể đóng quân trên mỗi đảo, nhưng không có thức ăn hoặc thậm chí không có nước uống ở đó. Nếu không có viện trợ trong khoảng từ một đến hai tuần, quân lính đóng tại đây sẽ tự mình rời khỏi quần đảo. Khi rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể quay lại.”[32]

Chính sách của Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn Trung Quốc và thất bại trong việc bắt Trung Quốc phải trả giá. Vì thế, quan điểm của Trung Quốc đã phát triển thành một nhận thức. Theo đại tướng Zhang Zhaozhong.

[Chúng tôi] buộc phải chọn đúng thời điểm để tiến hành. Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ tại quần đảo Nam Sa (đảo Trường Sa), tiến bộ lớn nhất tôi nghĩ là trên đảo Hoàng Nham, đá Meiji (đá Vành Khăn và bãi cạn Ren’ai (Bãi Cỏ Mây).[33]

Sau khi chiếm đóng và loại bỏ bên yêu sách khác, Trung Quốc khẳng định kiểm soát hành chính. “Bước tiếp theo sẽ là tăng cường quyền lực và thẩm quyền trong việc thực thi luật pháp và triển khai chính quyền của chúng tôi. Bước tiếp theo sẽ là sự phát triển mạnh mẽ ở đó, bao gồm phát triển kinh tế, du lịch, đánh bắt hải sản và bảo vệ tài nguyên biển.”[34]

Vì vậy, tóm lại, chiến lược sẽ là chiếm giữ các thực thể, sắp đặt các lớp các tàu hải quân để bảo vệ, xây dựng lực lượng trong khu vực, từ chối quyền tiếp cận của các nước khác, bắt đầu sử dụng thực thể này một cách độc quyền và khẳng định tính pháp lý hoặc kiểm soát hành chính. Cái gọi là thành phố Tam Sa như đã đề cập ở trên trên đảo Phú Lâm là một ví dụ cho cơ sở hạ tầng hành chính được Trung Quốc đặt trong nơi này. Cuối cùng, du lịch và kinh tế được khuyến khích phát triển. Sau đó, Trung Quốc chuyển sang thực thể địa lý tiếp theo, cho đến khi cuối cùng Trung Quốc đã bình định được toàn bộ Biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng đe dọa sử dụng vũ lực để chống lại các bên yêu sách khác trên Biển Đông cũng như ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.

Xây dựng lực lượng quân sự

Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng quân sự trên diện rộng hàng thập kỷ và quá trình xây dựng này không cho thấy dấu hiệu dừng lại. Theo Trung Quốc, ngân sách quân sự năm 2018 của nước này là 174,6 tỷ USD. Bởi vì mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc không minh bạch có chủ ý, các ước tính bên ngoài về chi tiêu quân sự của Trung Quốc chênh nhau.[35] Ví dụ, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quân sự của Trung Quốc là 226 tỷ đô la trong năm 2016, trong khi Trung Quốc tuyên bố khoảng 146 tỷ đô la trong cùng giai đoạn đó.[36] Ước tính của IHS Jane về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 260 tỷ đô la vào năm 2020.[37] Những khoản chi tiêu này có vẻ quá mức cho một quốc gia nguyên trạng. Hơn nữa, việc mua sắm vũ khí và định hướng chiến lược của Trung Quốc dường như hướng vào việc loại bỏ Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, do đó cho phép Trung Quốc áp đặt ý chí của mình trong đó. Các nhà quan sát nhấn mạnh việc tái cấu trúc của quân đội Trung Quốc thành một lực lượng được thiết kế để chiến thắng các cuộc xung đột khu vực trong thời gian ngắn, dữ dội và để ngăn chặn sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột đó. Quá trình tái cấu trúc này tiếp tục hướng tới

cải tổ sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tập trung vào sự phát triển các khả năng chống can dự cho hải quân, không quân và lực lượng tên lửa. Mục tiêu của chương trình này, vẫn đang tiếp diễn sau gần hai thập kỷ nỗ lực, là tạo ra một vùng đệm an ninh sâu rộng, do Trung Quốc thống trị ở Tây Thái Bình Dương, điều đó sẽ quá nguy hiểm cho các lực lượng thù địch triển khai trong một cuộc khủng hoảng có nguy cơ xảy ra trong tương lai. Vào năm 2007, chỉ mười một năm sau cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995-6, một nghiên cứu từ RAND được đưa ra cho Không quân Hoa Kỳ đã kết luận rằng quân đội Hoa Kỳ có thể thua PLA và các lực lượng “chống can dự” của Trung Quốc có thể hành động nếu một cuộc khủng hoảng như thế xảy ra.[38]

Đối với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN), có ba giả thuyết để giải thích cho việc xây dựng quân sự. Giả thuyết thứ nhất cho rằng Trung Quốc đang xây dựng quân sự để đóng góp nhiều hơn đến “những giá trị chung toàn cầu”. Giả thuyết thứ hai cho rằng PLAN nỗ lực để chống lại Đài Loan. Giả thuyết thứ ba cho rằng PLAN nỗ lực để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.[39] Việc mua sắm vũ khí như tên lửa DF-21D (được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay), tên lửa DF-26, tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-18 và tàu ngầm tấn công không đúng với lập luận đầu tiên. Các mục tiêu thứ hai và thứ ba có liên quan với nhau. Nếu PLAN muốn tự do hành động chống lại Đài Loan, Hải quân Trung Quốc phải đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Một số người cho rằng, Trung Quốc cần tăng trưởng kinh tế và vì thế cần duy trì hòa bình với Mỹ, rằng Trung Quốc nên tập trung vào các vấn đề trong nước, và/hoặc lục quân của Trung Quốc ưu thế hơn hải quân và sẽ ngăn chặn vai trò chính của hải quân.[40] Không một lập luận nào trong đó là thuyết phục. Rõ ràng, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là không khôn ngoan chút nào, tuy nhiên Trung Quốc có thể tin mối nguy hiểm gần kề đáng lo ngại hơn là lợi ích lâu dài của việc kiểm soát Tây Thái Bình Dương và bá chủ sau này. PLA đang đóng vai trò chính của chiến lược này cũng như với việc kiểm soát Biển Đông. Cả PLA và PLAN đều nhận thấy ngân sách của mình và các tên lửa của PLA cũng như các vũ khí của Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đều nhằm mục tiêu hỗ trợ PLAN trong bất cứ cuộc chiến tranh nào với Mỹ. Trong khi chúng ta không thể biết các ý đồ, sự trang bị của quân đội Trung Quốc được thiết kế cho mục đích chống can dự.[41] Nếu Trung Quốc có thể thắng thế một cuộc trong cuộc xung đột với Đài Loan hoặc trên Biển Đông, điều này sẽ đe dọa đến vị thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương bởi vì Mỹ có lẽ sẽ không thể hoàn thành được những nghĩa vụ hiệp ước của mình. Tương tự, nếu Trung Quốc thành công trong những nỗ lực này, Trung Quốc sẽ đe dọa đến các quy tắc tự do như quy định luật pháp về tự do trên biển. Tạm thời, các nhà lãnh đạo của Mỹ đã không hiểu rõ thách thức hoặc không sẵn sàng để đáp trả. Trong khi đó, quân đội của Trung Quốc liên tục được được nâng cấp khiến cho khả năng can thiệp của Mỹ thêm phần khó khăn hơn.

Trong khi Trung Quốc thiếu minh bạch về các vấn đề quân sự, Trung Quốc luôn rõ ràng về các mục tiêu triển khai trên Tây Thái Bình Dương.

Đô đốc Liu Huaqing, người sáng lập của hải quân hiện đại Trung Quốc, đã phác thảo vai trò của tàu ngầm tấn công hạt nhân trong chiến lược chung của mình vào những năm 1980, các sử gia Trung Quốc cho hay. Ông thấy Trung Quốc khi bị kiềm chế bởi lực lượng Mỹ đã liên kết với cả “Chuỗi đảo thứ nhất” kéo dài từ phía Nam Nhật Bản đến Phi-líp-pin và một “chuỗi đảo thứ hai” từ phía Bắc Nhật Bản qua vịnh Guam đến In-đô-nê-xi-a. Ông cho rằng Trung Quốc nên thiết lập sự thống trị hải quân trong chuỗi đảo đầu tiên trước năm 2010, trong chuỗi đảo thứ hai trước năm 2020 và trở thành cường quốc biển trước năm 2050.[42]

Việc kiểm soát Biển Đông là rất cần thiết trong việc đạt được quyền kiểm soát trong chuỗi đảo thứ nhất và “tái cấu trúc khu vực” về sau.[43] Đến lượt mình, hải quân biển xanh cho phép Trung Quốc không chỉ bảo vệ biên giới của mình, mà còn đảm bảo an toàn cho các tuyến thông thương trên biển, bảo vệ thương mại và khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng. Hải quân biển xanh kết hợp với việc kiểm soát trên Biển Đông mở rộng khả năng hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương và làm suy yếu khả năng tồn tại của bất cứ chiến lược phong tỏa nào của Mỹ. Về mặt lâu dài, chiến lược này củng cố thêm vị thế của Trung Quốc trong bất cứ cuộc xung đột nào với Mỹ. Về mặt ngắn hạn, chiến lược này dẫ đến sự xung đột của Trung Quốc với nhiều nước Đông Nam Á và điều đó giải thích cho yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Năng lực của PLAN rất đa dạng và ngày càng gia tăng. Một số năng lực được nhấn mạnh quá mức như sự phát triển của tàu sân bay. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phát triển một “hải quân hiện đại và mạnh mẽ trong khu vực” với khả năng can dự mang tính đối đầu cao.[44] Thú vị hơn cả là lượng lớn tàu ngầm tấn công tiên tiến sẽ sớm được triển khai cùng với các tên lửa đạn đạo chống hạm, các tên lửa hành trình chống hạm, các phương tiện máy bay không người lái và hàng loạt các loại vũ khí chống chỉ huy và kiểm soát. Các lựa chọn chống chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc bao gồm vũ khí động học nhưng cũng bao gồm hàng loạt vũ khí khác như laze, robot, trí tuệ nhân tạo và các lựa chọn về an ninh mạng.[45] Khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc một lần nữa đã dẫn đầu tiềm năng giành chiến thắng trong một cuộc đối đầu trên Biển Đông, điều này có tác động dây chuyền đến vị thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Tên lửa vẫn là trung tâm của lực lượng tấn công Trung Quốc tại Thái Bình Dương.[46] Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên đất liền của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng triển khai của Hoa Kỳ và các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương.[47] Những tên lửa này đe dọa không chỉ đến Đài Loan và các mục tiêu trên chuỗi đảo thứ nhất khác (mặc dù nó có thể đe dọa rất hiệu quả), mà còn gia tăng đe dọa đến Nhật Bản, đảo Guam và ngay cả các hệ thống của Mỹ như tàu sâu bay đang di chuyển ở khu vực. Hơn thế nữa, Trung Quốc nhận thấy mình không bị bó buộc bởi Hiệp ước lực lượng hạt nhân trung cấp (INF), vì thế nước này triển khai hàng loạt các tên lửa tầm 500-5500 km mà Mỹ không có giải pháp cụ thể và hiệu quả. INF được tạo ra với môi trường chiến lược khác với môi trường mà Mỹ phải đối phó trong thế kỷ 21 và bắt nguồn từ sự vi phạm của Nga đến hiệp ước (và sự thật là không nước nào bị bó buộc), có nhiều lý do để Hiệp ước mất hiệu lực và cần thiết triển khai một sự răn đe khác. Nhiều người ủng hộ tăng cường tên lửa phóng lực lượng tài ngầm để giải toả mối đe dọa từ Trung Quốc.[48] Đã có nhiều nghiên cứu về tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, nhưng Trung Quốc cũng đang triển khai DF-26C; với phạm vi 3000-4000 km được gọi là “tàu tốc hành tới Guam”.[49]

Cần phải nhìn nhận các hệ thống này cả gói hơn là các thành tố đơn lẻ. Vì vậy, khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc (ASAT) đóng vai trò như cấp số nhân cho các vũ khí khác qua việc hạn chế các khả năng của Mỹ. Trung Quốc tiếp tục thử công nghệ ASAT. Một vụ thử ngày 5/2/2018 đã phá hủy thành công một tên lửa trong không gian và do đó có khả năng kép như một vũ khí ASAT cấp độ thấp. Các nhà phân tích tin rằng vụ thử tháng 5 năm 2013 được thiết kế để nhắm vào các vệ tinh địa tĩnh, cách Trái Đất 36.000 km.

Trung Quốc dường như đang phát triển khả năng phục hồi vệ tinh nhanh chóng (Kuaizhou-2). Khả năng tấn công các hệ thống dựa trên không gian của Mỹ và để làm thay đổi bất cứ cuộc tấn công tương tự nào của Mỹ có thể cần chiến thắng một cuộc chiến tranh ngắn và hạn chế, như cuộc chiến kiểm soát trên Biển Đông. Trên thực tế, cuộc chiến đó có tính chất quyết định. Kuaizhou-2 có thể phóng các vệ tinh phản ứng nhanh để thay thế các vệ tinh “có thể bị phá hủy hoặc bị tàn phá trong một hành động gây hấn trong quỹ đạo”.[50]

Những diễn biến thú vị khác bao gồm các khả năng tấn công mạng của Trung Quốc. Vấn đề ở đây không phải là Trung Quốc sẵn sàng để thách thức Mỹ về mặt quân sự trên bình diện toàn cầu. Vấn đề ở đây là Trung Quốc đang chuẩn bị một khả năng để làm cho Mỹ phải trả giá đắt khi can thiệp vào các tình huống trong chuỗi đảo thứ nhất và để cho hoạt động của Mỹ trong chuỗi đảo thứ hai gặp nhiều khó khăn. Như đã nhấn mạnh ở trên, nếu Mỹ không thể duy trì cam kết của mình với các nước ở trong chuỗi đảo thứ nhất, bài học cho các nước khác có thể rõ ràng rằng Mỹ không đáng tin với cam kết của mình. Một khi vị thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương lỏng lẻo, các yếu tố quan trọng của trật tự thế giới tự do bị đe dọa về tính hợp thời và tương lai bá quyền của Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Phần 1: Nhận diện mục đích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phần 3: Hệ lụy từ hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Michael Tkacik, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Stephan F. Austin State, Nacogdoches, TX, Mỹ. Bài viết được đăng trên Defense and Security Analysis, Taylor & Francis (Routledge). 

Dịch giả: Nguyễn Phương Hoài, Trợ lý Nghiên cứu, Viện Biển Đông

Hiệu đính: Đỗ Thanh Hải

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông