Giỏ hàng

Phát biểu Dẫn đề của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung Tại phiên Khai mạc Hội thảo Biển Đông lần thứ 11

Phát biểu Dẫn đề

của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung

Tại phiên Khai mạc Hội thảo Biển Đông lần thứ 11

Khách sạn Pan Pacific, ngày 6 tháng 11 năm 2019

 

Kính thưa Ngài Phạm Gia Khiêm, Nguyên Phó Thủ tướng chính phủ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam,

Kính thưa tất cả các cơ quan tổ chức Hội thảo,

Thưa Quý vị Đại sứ và đại diện Đoàn ngoại giao,

Thưa các quý vị học giả và quý vị đại biểu,

 

  1. Tôi rất vui mừng và hân hạnh được có mặt và phát biểu, cùng trao đổi ý kiến với quý vị tại sự kiện ngày hôm nay. Thay mặt Bộ Ngoại giao Việt Nam, tôi xin chào mừng các quý vị Đại sứ, đại diện Đoàn Ngoại giao, các đại biểu và các vị khách quý đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ mười một với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.
  2. Tôi cũng xin chúc mừng Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông đã tổ chức sự kiện này. Chúng tôi thực sự vui mừng được gặp gỡ với các vị đồng nghiệp, quan chức, các học giả tên tuổi đã không quản ngại đường xa đến thảo luận về Biển Đông vì tầm quan trọng của vấn đề này đối với hoà bình, thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.

 

Kính thưa quý vị,

  1. Biển và đại dương luôn được coi là “nguồn sống” do đóng vai trò thiết yếu cho việc duy trì sự sống trên trái đất. Chiếm hơn 70% diện tích bề mặt trái đất, biển và đại dương không chỉ kết nối các lục địa, là không gian hoạt động, tương tác quan trọng của các quốc gia mà còn tạo nền tảng cho cuộc sống của loài người. Hợp tác quốc tế về biển, thể hiện qua sự phối hợp hành động của các quốc gia ở các cấp độ khác nhau, song phương, khu vực và toàn cầu, là yêu cầu tất yếu nhằm bảo vệ “nguồn sống” rất quan trọng này thông qua việc hài hòa hóa các hoạt động trên biển và giải quyết những vấn đề xuyên biên giới đặt ra.
  2. Biển Đông án ngữ nhiều tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Là cầu nối giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như lục địa Châu Á và Châu Đại dương, trên 50% thương mại bằng đường biển của thế giới đi qua Biển Đông, lên tới 5000 tỷ USD mỗi năm. Cũng vì vậy, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông có ý nghĩa rất to lớn với thương mại toàn cầu và sự thịnh vượng chung của cả thế giới.

Khi trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ và có tác động nhiều đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông càng có giá trị chiến lược quan trọng. Các sáng kiến chiến lược quan trọng của các cường quốc hay của ASEAN đều lấy Biển Đông làm trung tâm hoặc có cấu phần quan trọng liên quan đến Biển Đông. Do đó, mọi phát triển và vận động trên Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia khu vực mà còn thu hút sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của cả cộng đồng quốc tế.

  1. Chính từ nhận thức, “các vấn đề của không gian biển có liên quan chặt chẽ với nhau và cần được xem xét một cách tổng thể”, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã đề cập về vấn đề hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau, từ bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, đến đối phó với tội phạm trên biển, hay trong việc xử lý các vùng biển chồng lấn, chưa phân định v.v… UNCLOS 1982 - được biết đến như “Hiến pháp về Đại dương” với 168 thành viên - tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển hiện nay, và như được ghi nhận trong “Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững” do các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2015.

Trên cơ sở trật tự pháp lý trên biển tạo ra bởi UNCLOS 1982, nhiều hoạt động hợp tác thiết thực ở cấp độ khu vực và toàn cầu đã diễn ra nhằm ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy kiệt nguồn thuỷ sản, ô nhiễm rác thải nhựa v.v... và các thách thức an ninh khác như an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, chống cướp biển và tội phạm có vũ trang trên biển. UNCLOS 1982 cũng là cơ sở hàng đầu để giải quyết các yêu sách chồng lấn cũng như trong việc phân định biển giữa các quốc gia.

  1. Hợp tác Biển Đông đã được đẩy mạnh trong những năm qua. Và như ông Giám đốc Học viện Ngoại giao đã nêu, khi chúng ta nói đến vấn đề Biển Đông, không phải chỉ nói đến vấn đề khác biệt, tranh chấp, hay những diễn biến phức tạp mà chúng ta còn nói đến vấn đề hợp tác, hợp tác cả trên khuôn khổ song phương và đa phương. Riêng ASEAN đã có trên 12 cơ chế có liên quan đến hợp tác biển. Mặc dù có lợi ích rất đa dạng, cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng lòng tin, và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác của các nước trong và ngoài khu vực. Có thể kể đến như Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, hợp tác Tam giác San hô (Coral Triangle Initiative), Hợp tác chống cướp biển thông qua Trung tâm ReCAAP đặt tại Singapore… Riêng về Việt Nam, Việt Nam có quan hệ hợp tác trên biển dưới nhiều hình thức khác nhau với các nước ven Biển Đông. Với tất cả các quốc gia ven Biển Đông Việt Nam đều có các khuôn khổ hợp tác hoặc là về song phương hoặc là về đa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác Biển Đông cũng có sự tham gia của nhiều đối tác bên ngoài gồm có các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, các hoạt động tuần tra chung giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục được thực hiện trong Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực giải quyết, xử lý các vấn đề về biển với các nước láng giềng khác. Các nước ASEAN cũng chủ động đàm phán để giải quyết các tranh chấp song phương, tìm các biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề chồng lấn. Philippines và Indonesia gần đây đạt được tiến bộ rất đáng khích lệ trong việc giải quyết vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

Tại Hà Nội, trong tuần tới Việt Nam, Canada và EU sẽ đồng tổ chức Hội thảo về thực thi UNCLOS 1982 và các vấn đề nổi lên trên biển trong khuôn khổ Diễn đàn ARF. ASEAN cũng đang nỗ lực cùng các đối tác xây dựng một Bộ Hướng dẫn xử lý các va chạm trên biển trên tinh thần tin cậy, ngoại giao phòng ngừa, và giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình.

  1. Bài học kinh nghiệm từ hợp tác biển và đại dương quốc tế, trong đó có hợp tác tại Biển Đông, cho thấy để thúc đẩy được hợp tác biển hiệu quả, cần bảo đảm được các điều kiện thiết yếu như sau: (i) các quốc gia cần có ý chí chính trị trong thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung đặc biệt là trong vấn đề đảm bảo hoà bình; (ii) có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, đặc biệt là dựa trên cơ sở UNCLOS 1982; (iii) có cơ chế quản lý và hợp tác biển thích hợp; (iv) có sự tham gia tích cực của cả chủ thể nhà nước và chủ thể phi nhà nước; và (v) cần có lòng tin, lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, và lòng tin vào các cơ chế, thể chế chung.
  2. Trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới nói chung, trong xu thế hợp tác như vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn thấy và không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên gần đây đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam. Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế. Ở đây chúng tôi cũng tập hợp lại những cơ hội và thách thức, suy nghĩ về triển vọng cho hợp tác, cho hoà bình ở Biển Đông tập hợp từ các nhà nghiên cứu, sơ bộ thấy có 5 thuận lợi và 3 thách thức. Con số đơn thuần là 5 và 3 thì cũng đã thấy là thuận lợi nhiều hơn thách thức.

Thuận lợi thứ nhất là nhìn tổng thể hoà bình hợp tác phát triển là xu thế chung. Thứ hai, chúng ta đã có Hiến chương về đại dương - UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lí trong giải quyết các vấn đề trên biển, đặc biệt là trong quan hệ với các quốc gia. Thứ ba, Biển Đông nằm trong khu vực được cộng đồng quốc tế quan tâm. Thứ tư, các quốc gia ven biển đều tuyên bố và coi trọng thúc đẩy hoà bình ổn định và hợp tác khu vực. Thứ năm, chúng ta có những kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và thông qua những biện pháp khác theo đúng như chương 6 hiến chương LHQ – chương về nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Chúng ta ở đây đều biết đó là các biện pháp: tìm hiểu sự thật, trung gian, hoà giải, thương lượng, trọng tài, quá trình tố tụng pháp lí quốc tế.

Trong Hiến chương LHQ và UNCLOS 1982 cũng có đầy đủ các cơ chế để chúng ta có thể áp dụng các biện pháp đó, mặc dù trên thực tế như các bạn biết cho đến nay các vấn đề liên quan đến hợp tác, những vấn đề nảy sinh từ hợp tác, hoặc những vấn đề liên quan đến chồng lấn hoặc liên quan đến tranh chấp, hiện nay Việt Nam ưu tiên và đã đạt rất nhiều kết quả thông qua thương lượng song phương với các quốc gia có liên quan.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy có 3 thách thức. Chúng tôi tổng hợp từ các nhà nghiên cứu, nhưng cũng thấy là 3 thách thức thì ít hơn số cơ hội. Vấn đề thứ nhất là khi có những vấn đề liên quan đến tranh chấp, những vấn đề liên quan đến khác biệt trong quá trình hợp tác thì có phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 để đưa ra lập trường, các yêu sách của mình hay không? Thứ hai, chúng ta thấy thách thức là thực tế của những vấn đề có nhiều những nguồn gốc khách quan như hợp tác trên biển rất rộng lớn, ngay cả về khoa học, chúng ta cũng có đầy đủ những cơ sở khoa học, những ngành nghiên cứu hợp tác, cũng không phải là đơn giản. Rồi là những vấn đề chồng lấn, những vấn đề tranh chấp, những vấn đề nghiên cứu khách quan ở tất cả các vùng biển, không phải riêng Biển Đông. Thứ ba là có thể giải quyết được vấn đề làm sao để hợp tác mạnh hơn so với cạnh tranh, không để các yếu tố về cạnh tranh lấn át yếu tố hợp tác.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng:

 

  1. Duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong khu vực mà còn là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Và chúng tôi kỳ vọng Hội thảo này sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề quan trọng như sau:

- Thứ nhất, làm sao đảm bảo tính hiệu quả của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung? Chúng ta cùng với nhau trao đổi: Hiện nay cũng có ý kiến là UNCLOS 1982 không phải là cơ sở để giải quyết một số vấn đề nhất định. Đúng là UNCLOS 1982 không phải giải quyết tất cả các vấn đề nhưng đã có những vấn đề mà UNCLOS đã nêu rõ. Và về mối quan hệ giữa UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế nói chung, và làm sao thu hẹp khoảng cách trong diễn giải và áp dụng UNCLOS 1982 trên thực tế?

- Thứ hai, làm sao để các cơ chế đa phương tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, tìm kiếm giải pháp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực? Trong khi đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc, chúng ta cũng suy nghĩ làm sao có thể phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và sử dụng có hiệu quả các cơ chế hợp tác khu vực. Và chúng ta cũng biết là có nhiều cơ chế hợp tác khu vực quốc tế có sự tham gia của các đối tác bên ngoài và sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Ví dụ, trong hợp tác về nghề cá, có sự tham gia của các tổ chức như FAO, trong lĩnh vực môi trường có sự tham gia của tổ chức như là UNEP. Đó là những ví dụ. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam hy vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác để thúc đẩy, nâng cao hiệu qủa các cơ chế của ASEAN về hợp tác biển.

- Thứ ba, bằng biện pháp và cách thức nào thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trên biển, trong đó có vấn đề liên quan đến khác biệt, tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, yêu sách biển, và cả những vấn đề rất quan trọng liên quan đến sinh kế cho các cộng đồng cư dân ven biển, các lĩnh vực  như cứu hộ, cứu nạn, chống tội phạm xuyên quốc gia, phát triển nghề cá bền vững, đối xử nhân đạo với ngư dân, bảo vệ môi trường và tài nguyên? Làm thế nào nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước ven biển?

 

Kính thưa quý vị,

  1. Trong 10 năm qua, Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông đã từng bước trở thành một trong số ít diễn đàn khoa học có tầm ảnh hưởng và được xây dựng trên nguyên tắc thẳng thắn, khoa học, cầu thị và cởi mở. Hội thảo đã góp phần nâng cao hiểu biết về vấn đề Biển Đông đối với công chúng và những người hoạch định chính sách tại nhiều nước.
  2. Tôi hy vọng Hội thảo Biển Đông năm nay sẽ tiếp tục truyền thống đã được xây dựng từ 10 năm qua, tiếp tục đề cao đối thoại thẳng thắn, tổng kết các kinh nghiệm hay, bài học quý của các diễn đàn khác để nghiên cứu và áp dụng tại Biển Đông với tinh thần chủ động, sáng tạo. Tôi cũng hoan nghênh Hội thảo tiếp cận vấn đề Biển Đông từ góc độ rộng lớn hơn, trong liên kết với các vùng biển và đại dương quan trọng khác của nhân loại như các vùng cực, Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương...
  3. Tôi tin tưởng các nhà hoạch định chính sách, học giả, nhà nghiên cứu, các quan chức và cựu quan chức có mặt ở tại Hội thảo ngày hôm nay sẽ có cuộc trao đổi thắng thắn, cởi mở, khách quan như những năm trước đây. Với tinh thần đó, tôi xin chúc hội thảo thành công tốt đẹp, góp phần đưa Biển Đông thành một giao lộ an toàn kết nối giữa các đại dương, thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác phục vụ lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý sức khoẻ, thành công và các quý bạn từ nước ngoài đến có khoảng thời gian tốt đẹp ở Hà Nội trong thời gian diễn ra Hội thảo.

Xin chân thành cám ơn quý vị đã lắng nghe./.

Download tại đây