Giỏ hàng

Bút ký: "Mãi nhớ một chuyến thăm đảo Cồn Cỏ"

Nói thăm là nói về phía chúng tôi (Đoàn khách cơ cấu tổng hợp) còn Đội văn nghệ Tỉnh đội thì đi phục vụ đảo.

Mãi nhớ một chuyến thăm đảo Cồn Cỏ
Tác giả Vĩnh Nguyên (mặc áo trắng đội mũ bê-rê giữa lòng thuyền) đang đọc thơ tạm biệt Cồn Cỏ. Ảnh: Sỹ Sô

Mười bốn năm nhập tỉnh thì Đội tuyên truyền văn hóa văn nghệ Tỉnh đội tỉnh Bình Trị Thiên cũng tròn tuổi ấy. Nghĩa vụ quân sự ba năm, những chàng trai, cô gái xinh đẹp đàn hay hát giỏi của tỉnh Bình Trị Thiên được chọn về Mang Cá. Lớp trước ra quân (có người vẫn giữ lại theo nhu cầu công tác), lớp sau tiếp bổ sung, quân số của Đội có lúc lên đến 40 người nên được gọi Đoàn văn công Tỉnh đội, bởi quy cách, quy chế của nó như một đoàn văn công chuyên nghiệp thực thụ: Một ô tô chở diễn viên, một ô tô chở phông màn đạo cụ, cấp dưỡng và kéo theo cả rơ-móc máy nổ.

Đội tuyên truyền văn hóa - văn nghệ có 4 người phụ trách chung trong suốt thời gian: Phan Duy Thơm (thượng úy), Nguyễn Ái Chủng (thượng úy), Nguyễn Xuân Thắm (đại úy), Lê Văn Nhường (đại úy). Người phụ trách chung gọi là Trưởng đoàn. Lại có người chuyên trách chuyên môn nghiệp vụ riêng. Nhạc sĩ Quốc Anh nhớ lại và khẳng định: Người có công và gắn bó lâu hơn cả với đơn vị này là thượng úy Nguyễn Ái Chủng.

Đi lưu diễn ở các huyện, thị, Quân khu cả đoàn cùng đi hùng hậu thì gọi Đoàn còn đi biểu diễn xung kích, biên giới hải đảo thì đoàn được tách làm hai, làm ba nên gọi Đội.

Năm 1987, tôi làm phóng viên Tạp chí Sông Hương đi cùng Đội xung kích văn nghệ Tỉnh đội phục vụ đảo Cồn Cỏ nhân ngày thành lập đảo mồng 8 tháng 8. Cùng đi còn có Phạm Đại (họa sĩ), Sĩ Sô (nhiếp ảnh).

7 giờ sáng, ô tô đưa chúng tôi đến Cửa Tùng. Tiếng đàn, tiếng sáo đã rộn ràng. Chúng tôi phải đợi khá lâu. Hóa ra là đợi sóng, đợi thủy triều. Lúc này chúng tôi mới biết ra thăm đảo Cồn Cỏ còn có đại diện Huyện ủy Vĩnh Linh, Đoàn thanh niên, phụ nữ Vĩnh Linh nữa. Ban Tổ chức tỉnh Quảng Trị, Đồn Biên phòng Cửa Tùng sắp xếp hết sức chu đáo!

Và, chúng tôi tới đảo an toàn, không có ai say sóng.

Nhận nơi ở xong, chúng tôi đi tắm. Tôi cứ tưởng ở đây thiếu nước ngọt nên phải dè xẻn như cánh hải quân chúng tôi trước đây dưới tàu chiến đấu. Nhưng không phải vậy. Các chiến sĩ đảo hướng dẫn nói: các anh các chị cứ dội nước vô tư đi! Đảo có giếng lớn, không sợ thiếu. Sự thể là vậy. Nước rất ngọt. Họ bơm nước lên các bồn chứa và có vòi hoa sen phun tắm rất lịch sự.

Chúng tôi tới nhà ăn. Thiếu tá đảo trưởng Nguyễn Mạnh Thắng quê Lý Sách, Nam Định đứng ngay trước cửa nhà ăn, bắt tay từng người mời khách vô mâm. Đoạn ông Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh đứng lên nói lý do chuyến ra thăm đảo và giới thiệu từng thành viên của đoàn. Kế đó, đảo trưởng Thắng đáp lời cảm ơn và mời mọi người nâng ly. Bia Trúc Bạch - Hà Nội rất sang rất thơm. Các món ăn đơm đặt rất khéo: Thịt bò áp chảo thái lát to, mỏng nên rất mềm, món dồi lợn (xin nói là không phải thứ dồi thập cẩm toàn tiết, mỡ bạc nhạc và lắm rau ở những nhà hàng trong đất liền đâu nhé), dồi quết toàn thịt nạc, hành củ, nước mắm ngon với tiêu sọ Vĩnh Linh nên thơm phức, hết chê! Thịt gà chặt rắc lá chanh thái nhỏ, món dê nướng kẹp lá bứa chua gợi cảm, món cá song hấp, xương hầm chuối sứ, đu đủ nộm chua ngọt, v.v… Chúng tôi vừa ăn vừa tấm tắc khen. Đảo trưởng Thắng đứng lên trần tình: Nhận được tin có Đoàn khách quan trọng, mấy chiến sĩ chúng tôi phải lặn xuống các hốc đá mới có món cá hấp đó. Còn thịt, rau là của nhà giồng được ấy mà! Ông nói thêm: ở đây có mấy đồng chí quê Hà Nội nên ra món xuya lắm!

Nghỉ trưa xong, Đội văn nghệ vào lo việc sân khấu, “chua” lại các tiết mục cho đêm diễn, còn tôi, Phạm Đại, Sĩ Sô cùng đoàn đại biểu Vĩnh Linh được đi tham quan quanh đảo. Đập vào mắt chúng tôi là một đàn bò, một đàn dê có hàng trăm con đang gặm cỏ, đang ăn lá ở một khu đồi cây lúp xúp. Tiếp đến là một cánh rừng cây rất to, có cây có thể đến hai người ôm. Thế mới biết sức sống đảo thép Cồn Cỏ là như thế nào. Bao năm đạn bom Mỹ dội xuống Cồn Cỏ, có cả bom na-pan mà chúng vẫn không làm gì được. Anh hùng Thái Văn A như vẫn còn đứng đó hiên ngang. Cồn Cỏ - lũy thép Vĩnh Linh của Tổ quốc Việt Nam kiên trinh bất khuất!

Đêm văn nghệ mới vui làm sao. Gió mát, trăng thanh. Người đi trên đảo nhìn rõ nhau mồn một. Sân khấu đèn bật sáng. Phía trước sân khấu màn để ngỏ. Các chiến sĩ đảo ngồi hướng lên sân khấu chăm chú nghiêm trang. Bắt đầu là tiết mục múa nón của tốp nữ, tiếp theo là song tấu kèn và phong cầm của Trần Phương và Lê Chí Hồng Oai. Đặng Hồng Hới (Lệ Thủy) ngâm bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”. Tốp ca nam trình diễn bài “Ca ngợi chiến sĩ Cồn Cỏ anh hùng” gồm: Võ Đình Long, Hải Âu, Xuân Chiến, Duy Tuấn, Minh Công, Quốc Anh (ghita) và Lê Chí Hồng Oai (đàn gió).

Tôi được Ban Tổ chức mời lên đọc thơ góp vui. Đọc xong hai bài thơ, chẳng hiểu hứng khởi thế nào, tôi xin hát bài “Bài ca Hắc Hải”: Biển bờ còn sáng chói trong đêm khuya. Cuộn cuộn làn sóng biếc xanh rờn.Chạnh lòng người yêu tôi nơi xa vời. Biển đây tình mến yêu muôn đời (vỗ tay… vỗ tay). Không ngờ tôi hát lại được chiến sĩ đảo tán thưởng vỗ tay kéo dài đến thế. Đã lâu lắm rồi tôi không hát nên đoạn nhớ đoạn quên. Thế mà nhờ được cổ vũ “hát tiếp đi hát tiếp đi” làm tôi vô cùng xúc động và nhớ lại được cả bài để buông câu cuối cùng: Hỡi nước biếc đưa thuyền ta tới… nơi quê hương bao ngày chờ mong… (lại vỗ tay…).

Quá sung sướng, tôi bước xuống sân khấu và đến ngồi cạnh một chiến sĩ. Anh nói cho tôi hay: Chương trình văn nghệ còn có tiết mục “đinh” là một giọng đơn ca nữ. Bài này ai cũng công nhận có hai người hát đạt nhất (hai thời kỳ) là hai cô Kim Xanh và Thanh Tú. Đó là bài “Em hát anh nghe” nhạc Văn Cốc, lời của nhà thơ Thu Bồn.

Nhạc nổi lên, Thanh Tú bước ra sân khấu: “Em hát cho anh nghe điệu dân ca của mọi miền Tổ quốc, khi anh đang ngày đêm trên chốt hay đứng canh nơi đảo xaEm hát anh nghe điệu lý thương nhau. Câu hát dặm tình người mộc mạc đôi lứa yêu nhau. Lời quan họ em hát người ơi người ở đừng về (vỗ tay… lại vỗ tay). 

Và những tiếng hô vang “bis bis bis”.

Em hát anh nghe” là tiết mục khép lại đêm biểu diễn, Thanh Tú phải hát đến ba lần. Thanh Tú khỏe còn có thể hát tiếp được nữa. Các chiến sĩ đảo xa nhà, xa đất liền lâu ngày nay được gieo vào lòng họ những cung bậc tình cảm tuyệt vời trong đêm đảo “gió mát trăng thanh yến oanh gặp hội” nên cứ xao xuyến bồn chồn không muốn dứt.

Đêm đó, chúng tôi cùng một số anh chị trong Đội văn nghệ ra ngồi trên các tảng đá phẳng lì, có người còn nằm xoài thích thú cho những đợt sóng lớn đánh tung vầng lân tinh phủ ướt. Và, nếu không có chiến sĩ cảnh vệ ra nhắc, có lẽ chúng tôi không còn biết đến chuyện ngủ là gì.

Sáng, một cuộc đưa tiễn mới dùng dằng làm sao! Ván cầu đã bắc lên thuyền. Hai chiến sĩ đứng hai bên ván cầu sẵn sàng hộ vệ. Nhưng các vị quý khách chưa chịu lên thuyền. Các cô văn công thì đang tặng ảnh, ghi địa chỉ quê hương bản quán gì gì đó. Họ đang hứa hẹn những gì với những người lính đảo?

Cuối cùng đoàn khách đã lên hết. Nhà nhiếp ảnh Sĩ Sô nâng ống kính chụp lên. Trên đảo, một chiến sĩ cũng nâng máy bấm xuống. Ván cầu vẫn chưa được kéo lên. “Thanh Tú hát đi! Em hát anh nghe đi! Hát đi!” Lại có sự đề nghị hối thúc. Giữa lòng thuyền, Thanh Tú đã đứng lên. Kèn Clarinet Trần Phương vang vang tạt lên vách đá. Tiếng ghita bập bùng khoan thai trong lòng thuyền: “Nhớ năm xưa đi tìm đường cứu nước. Khi con tàu rời bến đi xa. Điệu dân ca Bác ấp ủ theo Người đi khắp nẻo đường… Mỗi nhành lá, mỗi nhành hoa, mỗi dòng sông đều thắm máu bao đời… Nhắn gửi anh người chiến sĩ: giữ lấy đất trời của ta, giữ lấy biển rộng bao la cho Tổ quốc mình đẹp muôn màu hoa… (vỗ tay hoan hô… Tạm biệt, hẹn tái ngộ!)

Thuyền nổ máy. Những bàn tay vẫy vẫy xa dần. Cồn Cỏ mờ xa trong nắng sớm.

Thưa các bạn! Người viết bài này muốn ghi lại chuyến đi Cồn Cỏ sống động năm ấy nên đã cất công tìm kiếm các chiến hữu. Gặp nhạc sĩ Việt Đức - người đã phổ nhạc thơ tôi giờ là Viện trưởng Học viện Âm nhạc Huế. Khi Việt Đức biết sự đường đột của tôi thì reo lên: Quý hóa quá! Quân đội đã đào tạo ra nhiều thế hệ chiến sĩ văn hóa có năng lực, số đi đảo chuyến đó nhiều người đã thành danh, thành những người lãnh đạo hầu hết ở các huyện, thị, là những nhân tố tích cực trong phong trào ca hát phục vụ nhân dân địa phương. Nói đoạn, anh bấm đốt tay, này nhé: Ngọc Bình - NSND, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Võ Đình Long - Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh; Quốc Anh - nhạc sĩ, Trưởng phòng Văn nghệ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế; nhạc sĩ Minh Tiến - NSUT, Trưởng đoàn ca múa nhạc Hương Giang (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế); Ngọc Ánh (ghita) - Phòng Văn hóa huyện Phú Vang vân...vân… không thể kể hết.

Đang vui, tôi hỏi chêm vào: Chuyến đi ấy có cô văn công nào của đoàn ông “dính” chiến sĩ Cồn Cỏ không ta?

- Theo chỗ tôi biết thì không - Việt Đức trả lời dứt khoát, nói tiếp: Bởi mỗi năm chúng tôi có hai lần ra đảo phục vụ hai ngày lễ trọng là 8/8 và 22/12. Diễn xong chớp nhoáng là về, sau đó có thể có đợt ra quân, thành thử chị em “dính” lính đảo là khó.

Mới gặp Việt Đức có một chặp mà tư liệu đã hòm hòm, nếu chịu khó tìm kiếm ắt sẽ ngon lắm đây! Dẫu biết rằng mình đâu là người “chép sử” cho Bộ Chỉ huy quân sự Bình Trị Thiên, nhưng đến đây, tôi thấy thiếu một người quan trọng mà bao năm cứ canh cánh trong lòng - người hát bài “Em hát anh nghe” hiện làm gì, ở đâu? Gặp ca sĩ Thanh Lịch cho biết: “Em hay tin hình như Thanh Tú ra quân về quê Lệ Thủy đã mở hiệu buôn”. Tôi nghĩ, quê Lệ Thủy mà mở hiệu buôn thì phải ở thị trấn Kiến Giang? Và, tôi quyết định đi Mũi Viết.

Tiếng lành đồn xa, chuyến đi Mũi Viết của tôi thật toại nguyện. Không những gặp Thanh Tú mà còn gặp cả Hồng Hới. Hai cô văn công quân đội mở quán hàng gần nhau. Hồng Hới mở quán phở bò hiệu Hới Đức. Thanh Tú mở tiệm ăn đặc sản hiệu Quê Hương. Gặp lại tôi, Thanh Tú mừng hết sẩy, mở cuộc chiêu đãi tắp lự. Tú phôn mời vợ chồng Hồng Hới và một số bạn văn nghệ thân quen. Trong bữa tiệc, tôi kể lại tình cảm của mình chuyến đi Cồn Cỏ năm ấy với các bạn, đặc biệt Thanh Tú với bài hát “Em hát anh nghe” đã làm xao xuyến tâm hồn những người lính đảo như thế nào? Nói chưa dứt lời, Thanh Tú đã đứng lên hát bài hát ấy theo yêu cầu của mọi người. Khách khứa trong các bàn ăn đều quay hết về phía bà chủ quán. Hiện tượng lạ, mọi người đã đứng lên vỗ tay như sấm khi người hát chưa hát xong. Anh bạn thơ Trần Văn Khởi, nguyên là lính đặc công của Đoàn Sao Vàng đánh giặc khét tiếng và là bạn ca hát, đóng kịch thời nhỏ với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thì băn khoăn quên mang theo đàn ghita vẫn đề nghị Thanh Tú hát lại lần nữa để thẩm định chất giọng. Thanh Tú đứng lên sôi nổi nhiệt tình hát như lần trước và ai cũng công nhận mặc dù nhiều năm không còn hát chuyên nghiệp, giọng Thanh Tú vẫn ấm, thanh đới mở rất vang. Có thể, đây là một trong các bài tủ nên người hát thể hiện rất tự tin?

Vợ chồng Thanh Tú tiễn chúng tôi ra về. Thanh Tú nói chân tình chắc nịch: “Ra quân buổi đầu vất vả lắm. Phải vật lộn bao năm mới có nhà hàng như thế này”. Tú mong các anh chị, các bạn ca hát cùng thời với Tú có dịp ghé nhà hàng Quê Hương, thị trấn Kiến Giang cho Tú được đãi đằng và để được hát.

V.N
(SH295/09-13)

Nguồn: Tạp chí Sông Hương