Giỏ hàng

Toàn văn bài phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11 của PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng

HỘI THẢO QUỐC TẾ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 11

PHÁT BIỂU KHAI MẠC

CỦA GIÁM ĐỐC NGUYỄN VŨ TÙNG

 

Kính thưa ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

Kính thưa Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Kính thưa ông Phạm Gia Khiêm, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam

Thưa các diễn giả và các đại biểu tham dự hội thảo

Thưa các vị khách quý, Thưa các bạn

  1. Tôi rất vui được chào mừng tất cả các bạn đến dự Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại Khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông tổ chức ngày hôm nay.
  2. Như chúng ta đã hẹn với nhau từ năm ngoái, hôm nay chúng ta lại tụ tập tại đây giữa trung tâm thủ đô Hà Nội để cùng nhau tiếp tục bàn về những vấn đề liên quan đến Biển Đông.
  3. Tôi rất là vui mừng được cùng với cả ông Nguyễn Văn Quyền được chia sẻ là chúng ta lại có dịp gặp lại những người bạn thân quen trong khán phòng này, những người đã có những đóng góp tích cực cho thành công của các kỳ hội thảo trước và tất nhiên là cho cả các kỳ hội thảo lần này và tiếp theo. Tôi cũng xin chào đón những người bạn mới lần đầu tham dự Hội thảo. Cho đến nay, hội thảo đã thu hút được rất nhiều học giả đến từ các nước ASEAN, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và các nước từ châu Mỹ, châu Âu, . . .

Thưa các quý vị,

  1. 4. Đúng 10 năm trước đây, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông đầu tiên đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Sau 10 năm tổ chức, chuỗi Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông đã đạt được nhiều thành công. Trong đó, sê-ri Hội thảo này đã có 3 đóng góp nổi bật cho tri thức chung của cộng đồng học giả khu vực và quốc tế về các vấn đề liên quan đến Biển Đông:

Thứ nhất, Hội thảo đã và đang được biết đến như là một sự kiện học thuật uy tín và được mong đợi trong giới học giả về chủ đề Biển Đông. Hội thảo đã quy tụ được các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới để thảo luận về các vấn đề an ninh, biển, luật biển, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội luật gia Việt Nam rất là hân hạnh khi mời được các cái khối lượng diễn giả đông đảo và có uy tín.

Thứ hai, Hội thảo đã trở thành điểm gặp gỡ, kết nối, chia sẻ giữa những người có cùng quan tâm chung đến khu vực nói chung và đến Biển Đông nói riêng. Tại Hội thảo này, chúng ta sẽ gặp cả những gương mặt mới và những gương mặt cũ. Điều này có nghĩa Hội thảo đã tạo sự tiếp nối trong quan tâm của cộng đồng quốc tế đến các vấn đề an ninh biển nói chung cũng như đối với các vấn đề Biển Đông nói riêng cũng như tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ học giả và giữa các lĩnh vực liên quan.

Thứ ba, Hội thảo đã tạo ra động lực cho các nghiên cứu về Biển Đông ở trong và ngoài nước. Sau 10 năm tổ chức, Hội thảo đã thu hút được hơn 350 lượt tham luận và hơn 2,000 đại biểu tham dự. Từ các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, hàng trăm bài viết và hàng chục cuốn sách đã được xuất bản trên khắp thế giới, đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của khu vực và quốc tế về các khía cạnh khác nhau của các vấn đề Biển Đông như lịch sử, chính trị, kinh tế, pháp lý, môi trường, văn hóa, v.v. góp phần thiết thực cho việc hoạch định chính sách nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông và hợp tác khu vực nói chung. Trong cái túi tài liệu thì quý vị cũng thấy một cái cuốn sách vừa mới xuất bản mới nhất và đấy là sản phẩm của các cuộc Hội thảo lần trước.

Thưa quý vị,

  1. Trong 10 năm qua, tình hình Biển Đông tiếp tục xuất hiện các diễn biến phức tạp, theo nhiều chiều hướng khác nhau. Tôi hoàn toàn chia sẻ với những ý kiến mà ông Quyền vừa nói cách đây ít phút:

Chúng ta một mặt, thấy xu thế đối thoại và hợp tác tiếp tục có mặt phát triển. Điển hình nhất là việc ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực hoàn thành lần đọc thứ nhất của tiến trình đàm phán COC vào tháng 7/2019 tại Việt Nam. Sau khi thực hiện các hoạt động diễn tập hải quân lần đầu tiên với Trung Quốc vào tháng 10/2018, ASEAN đã lần đầu tiên cùng Mỹ tổ chức diễn tập trên biển vào tháng 9/2019, đây là sự thể hiện nỗ lực mở rộng hợp tác của ASEAN để xây dựng lòng tin và bảo vệ an ninh biển nói chung. Đấy là những điểm tích cực.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục lo ngại về xu hướng quân sự hóa, đối đầu, gia tăng căng thẳng tiếp tục, việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp vẫn có xu hướng gia tăng, tính hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế tiếp tục bị đe dọa bởi việc diễn giải và áp dụng luật pháp có lợi cho mình, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng và phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Điều này chúng ta cũng đã được chứng kiến qua các cuộc thảo luận của các lãnh đạo cấp cao trong Hội nghị ASEAN vừa kết thúc cách đây mấy ngày.

Đáng chú ý là các vấn đề về Biển Đông không chỉ là vấn đề bó hẹp của khu vực Đông Nam Á nữa, mà ngày càng có nhiều vấn đề chung giữa Biển Đông với các vùng biển khác trên thế giới, có sự kết nối rất là cao giữa Biển Đông với Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Vịnh Hormuz, Nam Thái Bình Dương, các Vùng Cực v.v… Sự liên thông và kết nối giữa các biển và đại dương đang ngày càng rõ nét. Do đó, việc bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ trật tự luật pháp trên biển, an ninh biển nói chung cho các quốc gia và cộng đồng dân cư ven biển nói riêng đang là các vấn đề chung, đòi hỏi các giải pháp chung, các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Thưa quý vị,

  1. Qua 10 cuộc hội thảo, chúng ta vẫn luôn luôn tự hỏi, là đứng trước những tình hình phát triển mới phức tạp, có cả những yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực, thì chúng ta với tư cách là học giả, có thể làm gì, đổi mới ra sao để đóng góp tốt hơn cho việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, thách thức từ góc độ của chúng ta với tư cách là các học giả?

Với những thành quả và kinh nghiệm 10 năm qua, chúng ta đã đem đến Hội thảo Biển Đông lần này quay lại Hà Nội, điểm khởi đầu của xê-ri Hội thảo để bắt đầu một hành trình mới, với một số nỗ lực và kỳ vọng mới. Tôi xin phép được nêu một số điểm mới của Hội thảo lần thứ 11 này:

Thứ nhất, những người tổ chức chúng tôi muốn khuyến khích một cách nhìn rộng mở về vấn đề Biển Đông. Biển Đông không nên được hiểu chỉ là tranh chấp chủ quyền, tranh chấp vùng biển và tranh chấp tài nguyên giữa các nước  ven Biển Đông. Đây cần được nhìn nhận như một vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, là nơi các quốc gia mong muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại và phát triển hợp tác một cách hiệu quả. Đó là Biển Đông mà chúng ta mong muốn và đã được thể hiện trong Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mới được ASEAN thông qua.

Thứ hai, chúng tôi cũng nhìn nhận có sự liên thông giữa lục địa và đại dương và các vùng biển với nhau như tôi đã nói ở trên. Các vùng biển và đại dương được nhìn nhận là một thể thống nhất và là sự kéo dài của các lục địa. Theo đó, Hội thảo năm nay sẽ có sáu phiên bàn tròn song song để bàn về các vấn đề hợp tác biển và các diễn biến ở các vùng biển khác, không chỉ riêng Biển Đông mà còn có gồm có Biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các Vùng Địa Cực.

Thứ ba, các cuộc thảo luận được thiết kế theo hướng thực tiễn hơn, khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách. Các quan chức chính phủ các nước có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tiếp nhận trực tiếp các ý tưởng và sáng kiến của giới học giả. Nói cách khác, Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 năm nay của chúng ta sẽ đóng vai trò cầu nối tốt hơn nữa giữa kênh chính thức (Kênh I) và kênh bán chính thức (Kênh II) nhằm tìm ra các biện pháp có tính sáng tạo nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.

  1. Điểm nhấn đặc biệt của Hội thảo năm nay là được tổ chức trong không khí kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo cũng dành riêng một phiên để kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực.

Chính vì thế mà chúng tôi đặc biệt cảm ơn các diễn giả, các quý vị đại biểu đã tham gia, đã hưởng ứng những nét mới của hội thảo năm nay. Như là Ông Quyền đã nói, năm nay chúng ta đã có hơn 250 đại biểu đăng ký tham dự. Nhiều quan chức đến từ các cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội (chúng ta có lợi thế do hội thảo tổ chức tại Hà Nội) các cán bộ đến từ các Bộ/ngành của Việt Nam, nhiều học giả từ các cơ quan nghiên cứu về biển và đại dương về biển và Việt Nam, và một số lượng đông đảo báo giới trong và ngoài nước đến đưa tin Hội thảo.  Nhưng Hội thảo của chúng ta có một điểm tôi nghĩ là không mới và không thay đổi, đó là tinh thần cởi mởi, khoa học, khách quan, cầu thị của các học giả phát biểu trên các tư cách cá nhân của họ. Và điều đó đã trở thành thương hiệu và sức hấp dẫn của Hội thảo của chúng ta sau 10 năm và trong thời gian tới. Và chúng ta sẽ tiếp tục giữ tinh thần này.

Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Hội thảo đã nhận được sự hỗ trợ của một số lượng lớn các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Chúng tôi rất vui mừng và xin cám ơn sự hỗ trợ quý báu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phái đoàn EU, Đại Sứ Quán Anh, Đại Sứ Quán Đức, Quỹ Châu Á-New Zealand, Đại Sứ Quán Úc, Đại Sứ Quán Canada... Sự đồng hành và ủng hộ cả về mặt tinh thần và vật chất của các Nhà tài trợ là nguồn động lực, nguồn động viên vô cùng to lớn với Ban tổ chức, đặc biệt là đối với các đồng nghiệp của tôi tại Học viện Ngoại giao và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông. Với sự tài trợ này, chúng tôi đã mời được rất nhiều học giả quan trọng và có uy tín đến với Hội thảo của chúng ta. Và chúng tôi tin rằng điều này chắc chắn sẽ là đóng góp quan trọng cho sự thành công của Hội thảo. 

Thưa quý vị,

Một lần nữa, tôi xin được nhiệt liệt chào mừng tất cả các học giả, các vị khách quý đã đến dự Hội thảo của chúng ta và tôi kính chúc Hội nghị có nhiều trao đổi thú vị, sâu sắc trong hai ngày tới.

Xin chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp

Thank you very much for your attention!

 

Download Tại đây